1. Nguồn gốc
Cây Bụp giấm (tên khoa học là Hibiscus sabdariffa L.) đã được thuần hóa ở miền Tây Sudan khoảng 4000 năm trước Công nguyên (theo Murdock, 1959). Nó xuất hiện lần đầu tiên ở Châu Âu vào năm 1576 sau Công nguyên có thể do những người nô lệ đã mang từ Châu Phi đến để sử dụng làm thực phẩm. Sau đó, cây Bụp giấm được trồng ở Mexico, các vùng của Trung Mỹ, Tây Ấn và ở miền Nam Florida, Texas và California vào cuối thế kỷ 19. Ngày nay, nó được trồng rộng rãi ở cả vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Sudan, Ai Cập, Nigeria và Mexico.
2. Phân loại
Cây Bụp giấm (Hibiscus sabdariffa L.) thuộc họ Malvaceae, chi Hibiscus. Hiện nay có khoảng 300 loài thuộc chi Hisbiscus, trong đó có 2 giống chính là Hibiscus sabdariffa var. sabdariffa, được trồng để lấy đài hoa làm thực phẩm, dược phẩm và Hibiscus sabdariffa var. altissima được trồng để lấy sợi.
3. Đặc điểm hình thái
Bụp giấm là một loại cây bụi mọc thẳng hàng năm. Cây phân nhánh ở gốc, thân có màu xanh hoặc đỏ, tùy thuộc vào giống. Các loài được trồng để lấy sợi có cây cao 3-5 m, phân cành ít. Các giống dùng lấy đài hoa có chiều cao thấp hơn, từ 1-2m, phân cành nhiều và mọc thành bụi lớn.
Cây Bụt giấm dùng lấy đài hoa
Lá có dạng hình tim tròn, màu xanh đậm hoặc đỏ tía, lá nhẵn, xẻ thuỳ sâu với 3 - 5 thùy thon nhọn, mép lá có răng cưa, gân phía dưới lá màu tía, cuống lá dài 6 - 14 cm thường màu tía.
Hoa thường mọc đơn lẻ ở nách lá, không có cuống, màu vàng, đỏ hoặc tía với tâm màu đỏ đậm. Đài hoa có màu đỏ tươi. Trước khi thụ phấn, đài hoa có chiều dài từ 1-2 cm trước. Sau thụ phấn thì đài hoa dài ra và đạt khoảng 5,5 cm hoặc dài hơn khi thu hoạch quả. Quả nang, hình trứng, có 5 ngăn chứa 15 - 17 hạt. Quả khi chín dễ bị nứt, phát tán mạnh. Cây có khoảng 400 - 700 quả. Hạt màu xám có dạng tròn hoặc tròn lệch. Khối lượng 100 hạt từ 0,95g - 2,5g.
Hoa của cây Bụt giấm lúc nụ và nở hoa
Hoa sau khi thụ phấn và hình thành quả
Quả khô và hạt cây Bụt giấm
4. Yêu cầu ngoại cảnh
- Nhiệt độ: Cây Bụp giấm thích hợp trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp ở giai đoạn gieo hạt và nảy mầm từ 16 - 18oC, dưới 14oC cây không nảy mầm, trên 38oC cây ngừng sinh trưởng. Thời kỳ phát triển thân lá cần nhiệt độ 25 - 38oC. Thời kỳ ra hoa kết quả cần nhiệt độ 25 - 30oC.
- Ánh sáng: Cây Bụp giấm rất nhạy cảm với sự thay đổi của độ dài trong ngày. Sự ra hoa được hình thành khi ngày ngắn dần và cường độ ánh sáng giảm, bắt đầu vào tháng 9 hoặc muộn hơn tùy theo từng quốc gia. Cây không ra hoa nếu có hơn 13 giờ chiếu sáng trong ngày.
- Đất: Cây có thể phát triển trên nhiều loại đất như đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất đồi… độ pH thích hợp là từ 6,0 – 7,0, tuy nhiên cây có thể chịu được độ pH từ 4,5-8.
- Nước: Bụt giấm là cây chịu hạn tốt, có thể sinh trưởng ở những vùng canh tác bằng nước trời. Lượng mưa thích hợp từ 1500 - 2000 mm/năm. Cây có thể chịu đựng được lượng mưa tối thiểu là 64mm/tháng (tương đương với 768mm/năm), tuy nhiên trong 3-4 tháng sinh trưởng đầu tiên, cây cần lượng mưa dao động từ 130–250 mm/tháng. Giai đoạn ra hoa đến thu hoạch, cây sinh trưởng tốt trong điều kiện khô hạn. Mưa hoặc độ ẩm cao vào thời điểm thu hoạch và sấy khô có thể làm giảm chất lượng của đài hoa và giảm năng suất. Cây không thích hợp trồng ở những vùng có sương giá.
5. Công dụng
Bụp giấm là một loại cây đa công dụng, được sử dụng làm thức uống, thuốc chữa bệnh và nguyên liệu cho ngành may mặc.
Dùng làm thực phẩm
Đài hoa tươi hoặc khô của Bụp giấm được sử dụng để pha chế đồ uống thảo mộc, đồ uống nóng và lạnh, đồ uống lên men, rượu, mứt, bánh kẹo có thạch, kem, sôcôla, chất tạo hương vị, bánh pudding và bánh ngọt. Ở Ai Cập, đài hoa có vị bùi được sử dụng để làm “trà ca cao” và đồ uống lên men, trong khi ở Sudan và Nigeria, đài hoa được đun sôi với đường để tạo ra thức uống được gọi là “Karkade” hoặc “Zoborodo”. Ở Tây Ấn, đài hoa cũng có thể được sử dụng làm thành phần tạo màu và hương liệu trong rượu rum.
Trà Hisbiscus nổi tiếng của Sudan là một sản phẩm hữu cơ và được đánh giá cao, được xuất khẩu rộng rãi và được bán trên thị trường nội địa.
Lá và ngọn cây Bụp giấm dùng để ăn tươi hoặc nấu chín như một loại rau hoặc gia vị có vị chua. Ở Sudan, lá được ăn tươi hoặc phơi khô, nấu với hành tây và lạc, trong khi ở Việt Nam, lá được sử dụng làm rau nấu canh chua thay giấm (nên gọi Bụp giấm).
Hạt Bụp giấm được ăn rang hoặc xay trong bữa ăn Ở châu Phi, hạt được rang hoặc xay thành bột và được dùng trong các bữa ăn, dùng làm súp và nước sốt có dầu. Ở Trung Quốc và Tây Phi, hạt cũng được sử dụng để lấy dầu.
Dùng làm dược liệu
Cây Bụp giấm được sử dụng rộng rãi làm các loại thuốc địa phương. Ở Ấn Độ, Châu Phi và Mexico, dịch chiết từ lá hoặc đài hoa có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, trị sốt và hạ huyết áp, làm giảm độ nhớt của máu và kích thích nhu động ruột. Trà Bụp giấm được khuyến cáo sử dụng cho những người mắc bệnh tăng huyết áp ở Senegal và Iran.
Ở Ai Cập, các chế phẩm từ đài hoa đã được sử dụng để điều trị các bệnh về tim và thần kinh cũng như lợi tiểu. Ở Ai Cập và Sudan, thức uống "Karkade" cũng được sử dụng để giúp hạ nhiệt độ cơ thể, còn ở Guatemala, nó được sử dụng để điều trị chứng say rượu.
Ở Bắc Phi, các chế phẩm của đài hoa được sử dụng để điều trị viêm họng và ho, cũng như các vấn đề về sinh dục, trong khi bột lá có chứa chất làm mềm da được sử dụng để điều trị vết thương bên ngoài và áp xe.
Ở Ấn Độ, nước sắc từ hạt được dùng để giảm đau khi đi tiểu và khó tiêu, trong khi ở Nigeria, nó được sử dụng để tăng tiết sữa trong các trường hợp người mẹ ít sữa. Ở Brazil, rễ được cho là có đặc tính chữa đau dạ dày.
Trong y học dân gian Trung Quốc, cây Bụp giấm được sử dụng để điều trị rối loạn gan và huyết áp cao. Ở Việt Nam, đài hoa dùng để làm Siro pha uống có tác dụng cung cấp Vitamin C và ngăn ngừa ung thư, giảm Cholesteron, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ giảm cân và rối loạn tiêu hóa...
Các mục đích sử dụng khác: Lấy sợi, làm thức ăn chăn nuôi và mỹ phẩm
Ngoài công dụng chính làm thực phẩm và dược liệu thì cây Bụp giấm còn được sử dụng để lấy sợi, đặc biệt là ở Ấn Độ, nó được trồng thương mại và thay thế cây đay trong sản xuất quần áo, vải lanh, lưới đánh cá, dây thừng và các mặt hàng tương tự. Hiện nay, các nghiên cứu còn cho thấy sợi của cây Bụp giấm có các đặc tính kỹ thuật tốt có khả năng thay thế cho sợi tổng hợp hoặc sợi khoáng chất trong vật liệu composite, cũng như là nguyên liệu nguồn để sản xuất giấy chất lượng cao.
Bên cạnh đó, lá cây Bụp giấm được sử dụng làm thức ăn gia súc và chất xơ. Hạt có thể được sử dụng để làm thức ăn cho gia cầm hoặc cho cừu và phần bã sau khi chiết xuất dầu từ hạt cũng có thể được sử dụng làm thức ăn cho gia súc và gà con.
Ở Malaysia, cây Bụp giấm được sử dụng để sản xuất xà phòng và các sản phẩm tẩy tế bào chết.
Nguồn: Tạp chí Việt Nam Hương sắc