Lo ngại thị trường hoa Tết ảm đạm

Còn khoảng hơn ba tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2024, nhiều chủ vườn hoa tại khu vực phía Nam đang tranh thủ làm đất, xuống giống để chuẩn bị cho mùa hoa Tết 2024. Đây là vụ hoa mà nhà vườn nào cũng vừa trồng, vừa lo.

Tại các vựa hoa lớn ở TP Hồ Chí Minh, các nhà vườn đang gặp khó không chỉ ở sức mua mà còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết vừa nắng gắt, vừa mưa dầm. Các hộ đã chủ động tiết giảm các chi phí về nhân công, sản lượng gieo trồng để cân bằng giá bán ra thị trường.

Lo ngại sức mua nên các đơn vị này đã chủ động chọn các loại hoa quen thuộc, bình dân dễ bán như cúc vạn thọ, sống đời, mào gà, hướng dương, dạ yến thảo. Dự kiến, giá hoa ra thị trường sẽ không có thay đổi nhiều so với năm 2023.

Còn tại Bến Tre, hàng năm vào thời điểm hiện tại, các thương lái ngoài tỉnh đã tìm đến vườn đặt hàng nhưng năm nay nhiều nhà vườn vẫn đang chờ khách. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, các mặt hàng như cúc mâm xôi, cúc Hà Lan… có thời gian trồng dài, nên người dân thận trọng sản xuất theo đặt hàng của các thương lái.

Vụ hoa Tết 2024 là vụ hoa mà nhà vườn nào cũng vừa trồng, vừa lo.

Vùng hoa cúc Tết thích ứng thị trường

Có thể thấy hầu hết các nhà vườn trồng hoa trên cả nước đang băn khoăn về thị trường hoa Tết Giáp Thìn năm 2024, nhất là khi những tháng qua, nhiều mặt hàng nông sản bị ứ đọng và rớt giá. Cũng vì vậy, lúc này nhiều làng hoa đã bắt đầu tính đến những cách để giảm bớt rủi ro thị trường. Câu chuyện từ một vùng trồng hoa cúc Tết có tiếng ở Nam Trung Bộ - vùng hoa cúc Ninh Giang ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là ví dụ.

Ngay từ giữa năm, người làng hoa cúc Ninh Giang đã vào vụ hoa Tết. Đặc thù của hoa cúc là vậy. Từ lúc ươm những cây con cho đến khi có được những chậu hoa cúc bán ra thị trường đúng dịp Tết, mất đến cả nửa năm trời.

Thời gian canh tác càng dài, càng tốn nhiều chi phí, càng mất nhiều công. Nhưng cái khó hơn với những loại hoa trồng dài ngày chính là nông dân khó đoán định được thị trường. Ngay lúc này, không ai có thể biết, sau 3 tháng nữa, sức tiêu thụ hoa cúc Tết sẽ ra sao.

"Trồng thì trồng chứ không biết năm nay thu mua ra sao, không ai biết được…", chị Lê Thị Kiều Thu - phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa chia sẻ.

Thị trường hoa tươi tiêu thụ ở trong nước năm nay được ghi nhận là không mạnh

Với những người cả đời gắn bó với hoa cúc Ninh Giang như ông Huỳnh Anh (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), không thể bỏ nghề nhưng năm nay cũng không ồ ạt trồng nhiều như những năm trước. Gia đình ông giới hạn số chậu hoa cúc Tết trong khoảng 250 chậu, bớt đi cả 100 chậu so với năm ngoái.

Ông Huỳnh Anh cho biết: "Không dám trồng nhiều. Một số người ta bỏ, không làm, lý do vẫn là sợ đầu ra".

Dự ước, cả vùng trồng hoa cúc Ninh Giang, năm nay đưa ra thị trường khoảng 40.000 chậu hoa cúc Tết. Trong khi đó, trước đây, có năm lên đến 100.000 chậu.

Quyết định không tăng sản lượng và tập trung đầu tư chất lượng, giữ thương hiệu hoa cúc Ninh Giang, theo những nông dân ở vùng hoa này là hướng đi phù hợp với những thay đổi gần đây trên thị trường hoa Tết.

Ông Phan Sang - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa cho biết: "Hiện tại, các đầu mối lớn từ TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai - mối quen biết thì đặt hết rồi. Hội Nông dân tạo điều kiện cho bà con quảng bá sản phẩm, tập huấn, cung cấp nhãn hiệu cho bà con".

Thị trường hoa tươi tiêu thụ ở trong nước năm nay được ghi nhận là không mạnh. Nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu nên khả năng Tết năm nay, nhu cầu hoa Tết sẽ có nhiều thay đổi. Cũng vì vậy, ngay khi đã giảm sản lượng, nhiều nhà vườn vẫn thấp thỏm lo âu. Thị trường hoa Tết với người trồng hoa, bao giờ cũng chực chờ nhiều nỗi lo, dù rằng nông dân luôn tìm cách thích ứng.

Nguồn: vtv.vn