Bài viết dưới đây xin giới thiệu các bước cơ bản để làm được hòn non bộ từ xốp – một trong những vật liệu sẵn có, giá thành rẻ, dễ làm, dễ vận chuyển đi xa.
1. Chuẩn bị vật liệu
- Xốp: Dùng để tạo hình non bộ. Nên chọn loại xốp dày có hạt tròn và dai, ví dụ như thùng đựng hàng điện tử trong gia đình.
- Nến, bật lửa, đèn khò: Dùng để đốt xốp.
- Xi măng: Dùng để phủ lớp bên ngoài tạo thành hình dáng của hòn non bộ.
- Bột màu xây dựng hoặc sơn phun: Dùng để tạo màu cho hòn non bộ sao cho giống với màu đá tự nhiên.
- Keo chống thấm: Dùng bôi bên ngoài hòn non bộ để chống thấm nước, tăng độ bền cho sản phẩm.
Ngoài ra, nếu muốn cho hòn non bộ được sinh động hơn thì có thể mua thêm sỏi, cuội, cây xanh (rêu, dương xỉ…), chùa nhỏ, tượng nhỏ bằng sứ…để trang trí, tạo hình bậc thang, hang đá, dòng suối…
2. Các bước thực hiện
Bước 1: Cắt, rọc và đốt tấm xốp
- Với hòn non bộ có thiết kế đơn giản: Chỉ cần dùng 1 miếng xốp to để tạo hình.
- Với hòn non bộ phức tạp hơn: Cần cắt rọc miếng xốp thành các miếng nhỏ hơn, sau đó sẽ ghép lại tạo thành hình lớn.
- Dùng bật lửa, nến hoặc đèn khò đốt tấm xốp để tạo thành những hình dáng theo ý muốn. Đốt càng kĩ thì chúng càng có những hình dáng đẹp và bám xi măng càng tốt.
Bước 2: Phết xi măng lên tấm xốp
- Phết lần 1: Hòa xi măng với nước (tỷ lệ 1:2) tạo thành dung dịch sền sệt. Dùng chổi sơn quét xi măng lên từng miếng xốp hoặc nhúng toàn bộ miếng xốp vào chậu xi măng để đảm bảo chúng được che phủ hoàn toàn. Sau đó để cho xi măng khô thì tiến hành phết xi măng lần 2. Việc phết xi măng lần 1 có tác dụng làm cho xi măng được phết lần 2 sẽ bám dính tốt hơn.
- Phết lần 2: Hòa xi măng với cát (tỷ lệ 1:1), cho thêm ít nước tạo thành dung dịch sệt. Sau đó cũng dùng chổi sơn quét xi măng lên từng miếng xốp. Ở bước này, với những chi tiết nhỏ thì có thể dùng 1 cái thìa con để đắp xi măng lên nhằm tạo dáng cho các hình khối thêm sắc nét hơn.
Đem những tấm xốp này đi phơi nắng cho đến khi khô ráo. Sản phẩm thu được sẽ là những miếng xốp có màu sắc rất giống với màu đá tự nhiên tạo nên khối tiểu cảnh vô cùng sinh động, hấp dẫn.
Bước 3: Tạo màu và chống thấm
- Tạo màu: Dùng sơn phun hoặc bột màu công nghiệp để tạo màu tự nhiên cho hòn non bộ.
+ Sơn phun: Dùng phun trực tiếp lên hòn non bộ. Nên chọn màu sơn phù hợp với ý tưởng muốn tạo hình. Sơn phun có ưu điểm: thấm nhanh hơn vào bề mặt xi măng, nhanh khô và làm cho bề mặt sau khi phun sơn có độ bóng. Tuy vậy, sơn phun lại có giá thành cao.
+ Bột màu công nghiệp: Pha với nước theo tỷ lệ 1:1, rồi dùng chổi sơn quét lên xi măng. Ưu điểm của loại này là giá thành rẻ, tuy nhiên bề mặt sau khi quét thì không được bóng như sơn phun.
- Chống thấm: Nếu dùng sơn phun thì sau khi phun sơn xong có thể tiến hành phết keo chống thấm lên bề mặt hòn non bộ. Còn nếu dùng bột màu công nghiệp thì cần phơi khô ít nhất 3 tiếng rồi mới phết keo chống thấm.
Bước 4: Trang trí
Công đoạn cuối cùng khi làm hòn non bộ bằng xốp đó là trang trí. Mục đích để cho hòn non bộ trông sinh động và thật hơn.
Việc trang trí này tùy thuộc vào sở thích của từng người chơi, đơn giản nhất là trồng thêm cây xanh mini như dương xỉ, rêu…lên trên các khe núi. Phức tạp hơn nữa là tạo thêm các tiểu cảnh xung quanh hòn non bộ như thêm các ngôi chùa, bức tượng nhỏ, cây cầu nhỏ, máy tạo khói có lắp đèn nhấp nháy, máy bơm nước mini để tạo suối, thác nước…thậm chí có thể làm bể cá xung quanh hòn non bộ.
Có thể nói công việc làm hòn non bộ bằng xốp khá đơn giản nhưng cực thú vị, bạn nên thử một lần. Tuy nhiên trước khi làm thì cần cân nhắc kĩ vị trí để hòn non bộ, từ đó hình dung được rõ kích thước và hình dáng của nó sao cho phù hợp nhất.
Các mẫu hòn non bộ bằng xốp đẹp
Hòn non bộ bằng xốp để trên bàn uống nước hoặc làm việc
Làm hòn non bộ bằng xốp đặt trước sân
Một mẫu hòn non bộ đẹp trang trí trong nhà
Bài và ảnh: Thanh Tuyền