1. Nguồn gốc

Hoa Hướng dương (Helianthus annuus L.) là một trong số ít các loài cây trồng có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Nhiều khả năng nó đã được người Mỹ bản địa thuần hóa vào khoảng 1000 năm trước Công nguyên.

Hoa Hướng dương lần đầu tiên được du nhập vào Châu Âu bởi các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha. Họ đã mang các hạt giống hoa từ Bắc Mỹ về Tây Ban Nha và trồng làm cảnh vào năm 1580. Sau đó, các nhà thám hiểm người Anh và Pháp cũng lần lượt mang loại cây này về trồng ở Anh và Pháp. Cuối cùng, hoa Hướng dương đã lan rộng khắp châu Âu, dọc theo các tuyến đường thương mại đến Ý, Ai Cập, Afghanistan, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.

Tại Nga, hoa Hướng dương đã phát triển thành một loại cây lấy dầu hàng đầu. Việc chọn lọc những hạt có nhiều dầu bắt đầu vào năm 1860, kết quả là tạo ra những giống có hàm lượng dầu tăng từ 28% lên gần 50%. Các dòng Hướng dương có hàm lượng dầu cao từ Nga đã được đưa sang Mỹ sau Thế chiến thứ hai và trở thành một trong những loại cây trồng kinh tế quan trọng ở Mỹ kể từ năm 1966.

2. Phân loại

- Chi Helianthus (chi Hướng dương) thuộc họ Cúc (Asteraceae), gồm khoảng 50 loài, phân bố ở Bắc và Trung Mỹ. Chi này được các nhà khoa học phân chia thành 4 nhóm: Helianthus, Agrestes, Ciliares và Atrorubens.

- Hoa Hướng dương (Helianthus annuus L.) thuộc chi Helianthus, phân nhóm Helianthus. Phân nhóm này gồm 3 loài:

+ H. annuus var. macrocarpus (D.C): Được trồng để lấy hạt hoặc làm thức ăn cho gia súc.

+ H. annuus subsp. annuus: Được trồng để làm cây trang trí.

+ H. annuus subsp. lenticularis, H. annuus subsp. Texanus…là các loài mọc hoang dại trong tự nhiên: Được dùng để lai tạo giống kháng sâu bệnh.

- Ngoài ra, dựa vào chiều cao cây và mục đích sử dụng, hoa Hướng dương được phân thành các loại sau:

Theo chiều cao cây, gồm 3 loại:

+ Hướng dương cao: Chiều cao cây >1,5m, trồng để lấy hạt, làm cảnh hoặc cắt cành.

+ Hướng dương trung: Chiều cao cây từ 0,6-1,5m, trồng chậu làm cảnh hoặc cắt cành.

+ Hướng dương lùn:  Chiều cao cây từ 15-45cm, trồng chậu làm cảnh.

Theo mục đích sử dụng, gồm 3 loại:

+ Loại 1: Trồng lấy hạt để chế biến dầu thực vật (hàm lượng dầu trong hạt >40%).

+ Loại 2: Trồng lấy hạt để làm thức ăn (hàm lượng dầu trong hạt<30%)

+ Loại 3: Trồng làm cảnh.

3. Đặc điểm hình thái

- Thân: Hoa Hướng dương là loại cây thân thảo sống hàng năm. Cây thường có chiều cao từ 1-3m, tối đa lên đến 4,5m (ngoại trừ những giống mới lai tạo có chiều cao cây <1m). Thân cây màu xanh, mập, hình tròn và có lông cứng bao phủ. Cây mọc thẳng, không phân nhánh, đường kính thân từ 3-6cm, hóa gỗ khi trưởng thành, phần đầu thân cong xuống mang hoa tự.

- Rễ: Là hệ rễ cọc gồm 1 rễ cái có thể đâm vào đất sâu khoảng 3m và các rễ phụ lan rộng phân bố chủ yếu ở độ sâu 50cm. 

- Lá: Màu xanh đậm, dài 10-30cm, rộng 5-20cm, có cuống dài. Các lá phía trên nhỏ hơn, hình mũi mác rộng hoặc hình trứng, mọc so le. Các lá phía dưới to hơn, hình trứng rộng hoặc hình trái tim, mọc đối. Mép lá có răng cưa, hai mặt đều có lông trắng bao phủ.

- Hoa: Là dạng hoa tự gồm nhiều bông hoa nhỏ được đính chung trên một đế hoa gọi là cụm hoa (đầu hoa). Cụm hoa lớn, đường kính 10-30cm (tối đa có giống lên đến 50-60cm), gồm 2 loại hoa:

+ Các hoa bên ngoài gọi là hoa dạng tia (Ray floret), có nhiều màu (vàng, đỏ, cam, nâu…) nhưng phổ biến là màu vàng, xếp thành 1 hoặc 2 hàng giống như hình cánh hoa, số lượng từ 16-30 hoa. Các hoa này vô tính (cấu tạo chỉ gồm cánh hoa, lá đài, lá bắc và noãn), có vai trò thu hút côn trùng đến để thụ phấn.

+ Các hoa bên trong gọi là hoa dạng đĩa (Disk floret), thường có màu vàng cam hoặc nâu, xếp hình xoắn ốc, số lượng lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bông hoa. Các hoa này lưỡng tính (cấu tạo gồm nhị, nhụy, cánh hoa dạng ống, lá đài, lá bắc và noãn), có vai trò tạo quả, tạo hạt sau khi được thụ phấn.

Cụm hoa có tính hướng trực (mọc xoay hướng về phía mặt trời). Tùy theo giống mà số lượng cụm hoa/cây khác nhau. Những giống hoa Hướng dương lấy hạt thường có 1 cụm hoa/cây, trong khi các giống trồng làm cảnh có số cụm hoa/cây >2.

- Quả và hạt:

+ Quả dạng bế (thường được gọi là hạt), gồm 2 mảnh vỏ cứng, không tự nứt ra khi quả chín. Màu sắc quả thay đổi tùy giống. Giống trồng lấy hạt để sản xuất dầu thường có quả màu đen sẫm, kích thước nhỏ, còn giống trồng lấy hạt ăn thì vỏ quả có màu đen sọc trắng, kích thước quả to hơn rất nhiều.

+ Hạt (nhân): Nằm bên trong quả, hình thuôn dẹt, đỉnh cụt và nhọn ở gốc, dài 10-25mm, rộng 7-15mm. Khối lượng 1000 hạt thay đổi từ 50g trở lên tùy từng giống.

Hạt Hướng dương sản xuất dầu (bên trái) và làm thức ăn (bên phải)

4. Công dụng

Hoa Hướng dương được trồng chủ yếu để lấy hạt sản xuất dầu thực vật và làm thực phẩm. Ngoài ra chúng còn được trồng làm cây cảnh trong vườn hoặc các trang trại phục vụ cho nhu cầu tham quan du lịch. Những cánh đồng hoa Hướng dương nổi tiếng trên thế giới phải kể đến như vùng Tuscany (Ý), Andalucia (Tây Ban Nha), thị trấn Hokuryu (Hokkaido-Nhật Bản), Nga, Lopuri (Thái Lan), tỉnh Nghệ An (Việt Nam)…

- Dùng chế biến dầu thực vật

Dầu hướng dương là một trong bốn loại dầu thực vật có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trên thế giới hiện nay. Dầu hướng dương được coi là loại dầu cao cấp do có màu sáng, hàm lượng chất béo bão hòa thấp, lượng vitamin E cao, hương vị nhẹ, ngon và đặc biệt là có thể nấu ăn ở nhiệt độ cao (chiên, rán). Ngoài ra, dầu hướng dương còn được dùng làm bơ thực vật và trộn salad. Trong khi đó, các loại dầu kém chất lượng được tận dụng để sản xuất nến, chất bôi trơ, sơn, véc ni và xà phòng. 

Dầu ăn được sản xuất tại Ukraine

- Dùng ăn trực tiếp

Hạt hướng dương là một món ăn nhẹ lành mạnh và bổ dưỡng vì chúng chứa nhiều vitamin E, A và B, protein, sắt, canxi, chất xơ và chất béo không bão hòa. Đây là những dưỡng chất rất tốt cho da, mắt, não bộ và hệ tiêu hóa. Hạt hướng dương thường được rang chín nguyên chất, hoặc tẩm các hương vị trong quá trình rang cho thêm phần hấp dẫn. Người ta có thể ăn trực tiếp hạt sau khi rang hoặc tách nhân để làm sữa hạt hay nghiền thành bột để làm bánh, kẹo.

Các sản phẩm ăn liền được làm từ hạt và hoa Hướng dương

Nụ hoa Hướng dương có thể được nấu chín và ăn như Atiso. Cánh hoa cũng ăn được và dùng trang trí kèm món salad hay bánh ngọt tạo hiệu ứng ngon miệng hơn.

- Dùng làm thuốc, dược phẩm

Người Mỹ bản địa đã sử dụng cây Hướng dương để điều trị nhiều loại bệnh. Người da đỏ Dakota đã hái hoa Hướng dương đun nước uống để giảm đau tức ngực. Lá có thể được pha thành trà uống để điều trị sốt, bệnh phổi và tiêu chảy. Rễ cây hướng dương dùng làm thuốc đắp để chữa rắn cắn và nhện cắn. 

Các ứng dụng dân gian và thảo dược gần đây hơn bao gồm kiểm soát cơn đau, viêm, ho... Dầu hướng dương cũng được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da, viêm xoang, trĩ và loét chân.

- Dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm

Thân, lá và hoa Hướng dương được dùng làm thức ăn tươi hoặc được ủ chua cho gia súc, gia cầm. Hạt hướng dương là món ăn yêu thích của các loài chim trong mùa đông. Hạt hướng dương sau khi được tách lấy dầu có hàm lượng protein từ 28-45% được dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

- Dùng làm thuốc nhuộm và giấy

Những cánh hoa Hướng dương có thể được sử dụng để làm thuốc nhuộm tự nhiên để tạo màu cho vải và sợi. Đặc biệt, giống hoa Hướng dương Hipo ở Mỹ có vỏ hạt màu tím sẫm được đánh giá cao nhờ tạo ra chất nhuộm màu xanh, tím, đen hoặc đỏ rực rỡ và được sử dụng để nhuộm len, bông và giỏ, cũng như sơn lên cơ thể người khi thực hiện các nghi lễ.

Người Trung Quốc sử dụng sợi từ thân cây Hướng dương để làm vải và giấy. Lõi thân cây Hướng dương là chất nhẹ nhất được biết đến và được sử dụng trong các thí nghiệm khoa học về sản xuất chất chống thấm và cách điện.

- Dùng cải tạo đất, nước bị nhiễm phóng xạ

Rễ cây hoa Hướng dương có tác dụng loại bỏ phóng xạ từ đất rất hiệu quả. Chúng được sử dụng để dọn dẹp thảm họa Chernobyl cũng như Fukushima. Theo Tạp chí Thực vật học thế giới thì rễ của loài hoa này có khả năng loại bỏ 95% lượng phóng xạ trong nước trong 24 giờ. Hiện nay, hoa Hướng dương được coi là biểu tượng của một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ở Hà Lan, hoa Hướng dương được trồng để cải tạo đầm lầy vì chúng có khả năng hút nhiều nước hơn các loại cây trồng khác.

Nguồn: Tạp chí Việt Nam Hương sắc