Phần lớn các hộ gia đình sống ở biệt thự hay chung cư đều mong muốn chọn lựa các loại hoa, cây cảnh trang trí không chỉ có tác dụng làm đẹp mà còn có tác dụng lọc khí, phủ xanh làm mát ngôi nhà, mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu.

Nắm bắt được nhu cầu đó, các nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh đã trồng và cung cấp ra thị trường vô vàn các loại cây xanh, chia làm 2 nhóm: cây nội thất và cây ngoại thất. Đối với cây nội thất thì tác dụng chính là trang trí và lọc khí trong không gian ngôi nhà. Đối với cây ngoại thất thì ngoài tác dụng trang trí, chúng còn có tác dụng phủ xanh, làm mát ngôi nhà.

Cây ngoại thất (cây trồng bên ngoài ngôi nhà) gồm các nhóm cây: cây trồng bồn, cây bóng mát, cây trồng ban công (giỏ treo) và cây leo giàn. Trong số các loại cây leo giàn phổ biến nhất hiện nay thì có thể kể ra đây 3 loại cây leo vừa cho hoa đẹp, vừa dễ trồng, chăm sóc lại có khả năng che mát cho ngôi nhà.

1. Sử quân tử

Sử quân tử (còn có tên gọi khác là hoa giun). Đây là cây hoa leo được bán rất chạy trên thị trường hiện nay và được người tiêu dùng lựa chọn để trồng trang trí cho ngôi nhà của mình. Loài cây này có một số đặc điểm nổi bật sau:

- Thân màu nâu hóa gỗ, hoa nhỏ, dạng ống và mọc thành từng chùm ở nách lá. Hoa khi mới nở có màu trắng, sau chuyển hồng rồi đỏ đậm nên trên cây lúc nào cũng có 3 màu trắng, hồng và đỏ trông rất đẹp mắt. Ngoài ra, hoa của sử quân tử còn có mùi thơm nhẹ, thanh khiết.

Hoa sử quân tử

- Cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có khả năng chịu được khô hạn và nhân giống dễ dàng bằng phương pháp giâm cành.

- Khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh, thích nghi với điều kiện môi trường Việt Nam, ít sâu bệnh hại.

- Cây ra hoa liên tục từ mùa hè đến mùa thu. Vào mùa đông, các thân cành cây lụi dần và đi vào trạng thái ngủ, đến mùa xuân ấm áp cây lại hồi sinh với sức sống mạnh mẽ.

- Sử quân tử thường được các gia đình trồng để leo giàn ở ban công, trên giàn sân vườn hoặc cho leo trên cổng trước nhà…

- Cây cho bóng mát, mang đến sự cân bằng độ ẩm cho những ngày hè nắng nóng. Ngoài ra sử quân tử còn được xem là cây dược liệu quý, có tác dụng chữa bệnh trong Đông y.

Sử quân tử mang sắc đỏ nổi bật cho ngôi nhà

2. Mai Hoàng Yến

Mai Hoàng Yến là cây hoa leo phổ biến, được xếp ở vị trí thứ 2 (sau sử quân tử) và thích hợp trồng ở các khu chung cư, biệt thự, nhà riêng. Cây hoa này có một số đặc điểm nổi bật sau:

- Cây thuộc dạng thân leo, lá dày, nhẵn và có màu xanh bóng. So với sử quân tử thì mai Hoàng Yến có khả năng tự leo giàn tốt hơn nhưng tốc độ sinh trưởng và phát triển của mai Hoàng Yến lại chậm hơn so với sử quân tử. Thông thường để có 1 giàn hoa mai Hoàng Yến đẹp thì phải mất từ 2-3 năm, trong khi sử quân tử chỉ mất từ 1,5-2 năm.

- Mai Hoàng Yến là cây ưa sáng, càng nhiều nắng cây càng ra nhiều hoa và nở hoa rực rỡ hơn. Nếu bị thiếu nắng cây sẽ phát triển kém và còi cọc. Cây chịu được nóng nhưng chịu lạnh kém vì thế vào mùa đông, cây thường lụi và sẽ hồi sinh trở lại khi thời tiết ấm áp.

- Hoa của mai Hoàng Yến có màu vàng tươi, kích thước trung bình. Hoa có 5 cánh, loe miệng rộng, nhị ở giữa có màu vàng và khi gần tàn thì nhị chuyển sang đỏ. Hoa mọc thành chùm dài ở đầu cành và ra hoa nhiều tháng trong năm.

- Cây sinh trưởng và phát triển nhanh, thích hợp với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, không kén đất, dễ trồng và dễ chăm sóc. Cây được nhân giống bằng phương pháp giâm cành.

- Giống cây này thích hợp trồng dưới đất và phải có cây hoặc cột, tường làm vật bám trụ để cây leo lên và phát triển.

Hoa của cây mai Hoàng Yến

- Mai Hoàng Yến thường được trồng leo ở nhiều vị trí như tường nhà, cổng nhà, ban công, tường rào, giàn leo tại sân vườn…

Sắc vàng rực rỡ của giàn hoa mai Hoàng Yến

3. Cúc tần Ấn Độ

Cây Cúc tần Ấn Độ (còn có tên gọi khác là cây mành trúc), cũng là một trong các loại cây hoa leo được ưa chuộng trên thị trường. Cây có một số đặc điểm nổi bật sau:

- Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, thuộc dạng thân leo, hóa gỗ, xanh quanh năm và sống lâu năm. Khác với sử quân tử là leo giàn hướng lên trên thì cúc tần Ấn Độ thường lại được trồng để rủ xuống dưới, tạo thành một tấm mành thiên nhiên với độ dài của cây khoảng 3-20m. Tấm mành này có tác dụng làm mát ngôi nhà trong mùa hè, ấm trong mùa đông.

- Lá cúc tần Ấn Độ có hình trứng hơi nhọn ở đầu, màu xanh đậm, dày và khỏe mạnh. Lá cây mọc trên cuống ngắn, rất ít khi bị rụng nên trồng cây khá sạch sẽ. Đồng thời, cây không mọc rễ phụ trên thân nên khi leo bám sẽ không làm bẩn tường.

Hoa và cây con của cúc tần Ấn Độ

- Hoa cúc tần Ấn Độ có màu trắng nhạt, kích thước nhỏ, kết thành chùm xinh xắn. Vào tháng 1 âm, cúc tần Ấn Độ bắt đầu có hoa. Hoa cúc tần Ấn Độ thơm và bền (chơi được 2 tháng).

- Cây sinh trưởng và phát triển rất nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hại, thích nghi tốt với điều kiện Việt Nam. Cây được nhân giống đơn giản bằng phương pháp giâm cành.

- Cây có khả năng chịu nắng, chịu hạn và chịu nước tốt. Mỗi khi mưa xuống cây lại càng phát triển nhanh, lá xanh óng.

- Cây cúc tần Ấn Độ có thể trồng trang hoàng ở cổng nhà, trên tường hoặc ban công rủ từ tầng trên xuống; cũng có thể trồng trang trí ở công viên, thành phố, quán cà phê, hoặc tiểu cảnh,… cho không gian sống của bạn trở nên xanh mát, gần gũi với thiên nhiên hơn.

Tấm rèm xanh thiên nhiên được tạo bởi cây cúc tần Ấn Độ

Bài và ảnh: Thanh Tuyền (sưu tầm)