1. Yêu cầu ngoại cảnh

- Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho cây hoa Hướng dương sinh trưởng và phát triển là từ 22-30oC. Nhiệt độ dưới 8oC hoặc trên 34oC đều ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

+ Nhiệt độ cao (>35oC) trong quá trình ra hoa và kết hạt sẽ làm giảm năng suất và hàm lượng dầu trong hạt. Nhiệt độ >35ºC cũng ảnh hưởng đến các đặc tính khác của hạt bao gồm thành phần axit béo và tỷ lệ vỏ/nhân.

+ Sương giá trong giai đoạn phát triển chồi có thể dẫn đến biến dạng chồi, không thể kết hạt và thậm chí mất mùa. Sương giá 2oC làm hoa không thể nở được. Sương giá –2 đến 0oC trong quá trình kết hạt có thể làm giảm đáng kể năng suất của cây.

- Ánh sáng: Cây cần nhiều ánh sáng để phát triển và ra hoa, tối thiểu là 6-8 giờ chiếu sáng/ngày.

- Đất: Yêu cầu tơi xốp, giàu mùn, thoát nước tốt, độ pH thích hợp là từ 6,0 – 7,5, tốt nhất là đất thịt nhẹ.

- Nước: Cây hoa Hướng dương có khả năng chịu hạn tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất và chất lượng hoa thì cần cung cấp nước bổ sung cho cây trong thời gian dài không có mưa, đặc biệt là ở giai đoạn trước và sau ra hoa 20 ngày. Hạn hán khắc nghiệt sẽ làm giảm chiều cao, diện tích lá và đường kính hoa của cây, dẫn đến giảm năng suất.

Cây hoa Hướng dương không chịu được được úng. Tưới nước quá nhiều có thể hình thành những vết đốm trên cánh hoa, cũng như sự tích tụ nước bên trong hoa sẽ dẫn đến tình trạng cây bị nhiễm nấm Botrytis và làm gãy thân.

- Phân bón: Hoa Hướng dương không cần hoặc cần rất ít phân bón để tạo ra cành hoa có chất lượng cao. Nếu đất nghèo dinh dưỡng nên bón thêm phân tan chậm NPK 20-5-30 dạng hạt.

2. Các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây

Theo tác giả Rollier (1972), thời gian sinh trưởng của hoa Hướng dương từ lúc gieo hạt đến lúc hạt chín khoảng từ 70-125 ngày (tùy giống) và có thể được chia thành 5 giai đoạn.

- Giai đoạn 1: Từ khi gieo hạt đến khi xuất hiện chồi đầu tiên mọc lên khỏi mặt đất

Giai đoạn này kéo dài từ 7 đến 20 ngày. Nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm là từ 21-24oC, dưới 10oC hạt không nảy mầm. Giai đoạn này rất quan trọng vì nó sẽ xác định kích thước của quần thể thực vật.

- Giai đoạn 2: Từ khi xuất hiện chồi đầu tiên đến sự phát triển của 4/5 cặp lá

Đây là giai đoạn mà bộ rễ bắt đầu lan rộng và nó đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề về cấu trúc đất do những sai sót trong quá trình chuẩn bị canh tác. Tốc độ tích lũy chất khô ở các bộ phận của cây trên mặt đất là 10 kg/ha/ngày, trong đó chất khô trong rễ chiếm khoảng 15% tổng chất khô của cây. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu hình thành lá và đặc biệt là hoa. Việc thiếu nước vào thời điểm này có thể hạn chế sự hình thành lá, nhưng sự hình thành hoa sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thấp, có thể dẫn đến dị dạng của cụm hoa. Giai đoạn này kéo dài khoảng 20 ngày.

- Giai đoạn 3: Tính từ khi cây có 5 cặp lá đầu tiên đến lúc cây bắt đầu ra hoa

Đây là giai đoạn tăng trưởng tích cực nhất của cây hoa Hướng dương với tốc độ hình thành chất khô có thể lên tới 200kg/ha/ngày. Sự gia tăng ngoạn mục nhất là diện tích bề mặt lá và hệ thống rễ đạt ở mức lớn nhất. Giai đoạn này kéo dài khoảng 40-50 ngày và cây hấp thụ tối đa các khoáng chất như Nitơ và Bo.

- Giai đoạn 4: Ra hoa

Đây là thời kỳ thân lá phát triển chậm lại, trong đó đầu cụm hoa trở thành ‘bể chính’ cho các chất đồng hóa của cây. Trong giai đoạn này, hoa Hướng dương rất nhạy cảm với độ ẩm thấp và sự lây nhiễm của bào tử Sclerotinia lên đầu cụm hoa. Độ dài của giai đoạn này thay đổi một chút tùy theo giống từ 15-21 ngày.

- Giai đoạn 5: Tính từ khi hình thành hạt giống đến lúc hạt chín

Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 20 ngày. Mức độ tích lũy chất khô chỉ tăng rất ít trong giai đoạn này. Đây cũng là giai đoạn được đặc trưng bởi sự hình thành tích cực của các axit béo và protein mới từ các axit amin có nguồn gốc từ sự phân hủy protein của lá và thân. Tổng lượng chất khô được tạo ra dao động trong khoảng 10-15 tấn/ha thậm chí cao tới 20 tấn/ha đối với các giống lai muộn được trồng trong điều kiện tốt. Thời điểm chín sinh lý đạt được khi hạt có độ ẩm xấp xỉ 28%.

3. Sâu bệnh hại hoa Hướng dương

a. Sâu hại: Hoa Hướng dương bị các loài sâu hại chính như bướm đêm, bọ cánh cứng, rệp vừng, tuyến trùng, mọt…gây hại ở các giai đoạn khác nhau.

- Bướm đêm (Homoeosoma Electellum): Con trưởng thành chủ yếu sống về đêm, ban ngày nghỉ ngơi dưới lá và chúng đẻ trứng trên đầu hoa. Nó có 2 thế hệ mỗi năm và trải qua mùa đông dưới dạng ấu trùng (sâu), bên trong đất. Sâu non ăn phấn hoa còn sâu già tấn công các cơ quan của hoa. Bên trong những vết thương do sâu hại này tạo ra sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Rhizopus (làm thối đầu hoa). Các cơ quan bị sâu hại được bao phủ trong các sợi tơ và phân của sâu. 

+ Phòng trừ: Cày sâu trước khi gieo hạt. Làm cỏ thường xuyên và trồng giống lai chống chịu. Sử dụng ong ký sinh hoặc các loại thuốc trừ sâu thích hợp.

- Bọ cánh cứng Hướng dương (Zygogramma exclamationis): Là loài chuyên gây hại trên hoa Hướng dương và phổ biến ở các vùng trồng trọt Bắc Mỹ. Bọ cánh cứng ăn và làm rụng lá cây, có thể dẫn đến mất năng suất đáng kể nếu cây non bị tấn công. Hạt bị mất nhân bên trong, giảm trọng lượng và hàm lượng tinh dầu.

+ Phòng trừ: Xử lý hạt giống bằng thuốc kiểm soát bọ cánh cứng. Phát hiện kịp thời sự xuất hiện của bọ cánh cứng ở giai đoạn 2 lá đến trưởng thành. Áp dụng các loại thuốc diệt côn trùng thích hợp.

Ngoài ra, cần lưu ý đến các loài động vật, côn trùng gây hại khác như chim, chuột, dế mèn, kiến…ở giai đoạn đầu gieo hạt và kết hạt.

b. Bệnh hại

- Bệnh cháy lá (Alternaria helianthi)

+ Triệu chứng: Lá bị hại có vết bệnh màu nâu đen, xung quanh có quầng vàng. Các vết bệnh liên kết lại và có hình dạng bất thường làm cho lá bị cháy. Cây bị rụng lá và chết.

+ Nguyên nhân: Dịch bệnh phát sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa nhiều. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư cây trồng hoặc trên các ký chủ cỏ dại thích hợp và có thể lây truyền qua hạt giống bị nhiễm bệnh.

+ Phòng trừ: Tỉa bỏ những lá bị nhiễm bệnh. Trồng cây với mật độ hợp lý để giảm độ ẩm xung quanh cây trồng và thúc đẩy lưu thông không khí tốt. Bón phân cân đối và sử dụng các loại thuốc trừ nấm thích hợp.

- Bệnh sương mai (Plasmopara halstedi)

+ Triệu chứng: Mặt trên lá xuất hiện các đốm màu trắng còn mặt dưới lá xuất hiện các sợi bông trắng mọc dọc theo gân lá. Cây con bị hại còi cọc, thân mỏng và ngắn, lá nhỏ, dày, vàng úa dọc theo gân lá. Hệ thống rễ kém phát triển và cây bị héo trước khi hình thành hạt dẫn đến làm giảm sản lượng hạt giống.

+ Nguyên nhân: Bệnh phát sinh nhanh trong điều kiện nhiệt độ vừa phải (15-18oC) và độ ẩm cao. Nấm có thể tồn tại trong đất đến 10 năm.

+ Phòng trừ: Trồng các giống hoa Hướng dương có khả năng chống chịu bệnh sương mai. Xử lý hạt giống bằng thuốc diệt nấm thích hợp trước khi trồng.

- Bệnh mốc trắng (Sclerotinia sclerotiorum)

+ Triệu chứng: Gây hại trên thân, lá và hoa Hướng dương. Thân bị nhiễm bệnh có màu nâu nhạt, phủ lớp phấn trắng và úng nước tại phần thân tiếp giáp với mặt đất.  Phần trong thân rỗng, thối, chứa đầy hạch nấm màu đen. Lá cây bị bệnh héo rũ và cây ngã rạp trên mặt đất. Mặt sau của đầu cụm hoa có các vết đốm sẫm màu, sũng nước. Hạt bị bệnh có vỏ màu trắng, dễ bị nứt và nhân bên trong có mùi vị không ngon.

+ Nguyên nhân: Bệnh phát sinh và phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt (10-14 ngày) và có thể tồn tại trong đất vài năm. Bào tử nảy mầm và phát tán theo gió, nước xâm nhập vào cây.

+ Phòng trừ: Luân canh cây trồng. Bón phân cân đối. Sử dụng hạt giống khỏe mạnh. Thường xuyên làm sạch cỏ dại. Trồng giống lai chống chịu bệnh. Phun thuốc trừ nấm trước và sau khi ra hoa.

- Bệnh gỉ sắt (Puccinia helianthi)

+ Triệu chứng: Bệnh xuất hiện vào đầu mùa xuân và dấu hiệu dễ nhận thấy đầu tiên là những đốm hình tròn, màu vàng trên lá. Khi bệnh tiến triển, các đốm chuyển sang màu nâu vào mùa hè và màu đen vào mùa thu. Bệnh này rất phổ biến ở hoa Hướng dương và gây ra thiệt hại đáng kể.

+ Nguyên nhân: Bệnh phát triển trong điều kiện nóng ẩm (13-29oC), lặp lại theo chu kỳ 8-14 ngày cây bị tái nhiễm một lần. Nấm lây qua đất từ cây bị nhiễm bệnh. Nếu bệnh gây hại ở giai đoạn trước khi nở hoa sẽ làm giảm năng suất tới 40% còn ở giai đoạn sau khi hoa nở sẽ làm giảm 10% năng suất thu hoạch.

+ Phòng trừ: Diệt trừ cỏ dại, bón phân cân đối và luân canh cây trồng (không trồng 2 vụ Hướng dương trên cùng 1 thửa ruộng).

Nguồn: Tạp chí Việt Nam Hương sắc