Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành quản lý kinh tế, nhưng niềm đam mê làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình đã thôi thúc chàng trai trẻ Trần Ngọc Ruynh, thôn Thụy Lũng Tây, xã Quốc Tuấn (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đến với nghề trồng hoa và chăn nuôi gia cầm. Không dừng lại ở việc trồng các giống hoa truyền thống, hơn 3 năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng các giống hoa có giá trị cao, anh đã chọn cho mình cây hoa ly để làm giàu.

Thời điểm này, đến nhà Trần Ngọc Ruynh ít khi được gặp anh bởi anh đang bận rộn với những luống hoa ly chuẩn bị cho thị trường Tết sắp tới. Nhớ lại gần 10 năm về trước, sau khi xuất ngũ, Trần Ngọc Ruynh (sinh năm 1979) thi vào Trường Cao đẳng Kinh tế Thái Bình. Sau khi ra trường, anh về làm việc tại xã Quốc Tuấn. Lập gia đình được hơn 1 năm, kinh tế khó khăn, hai vợ chồng đều là viên chức xã nên thu nhập thấp, không thể lo cho con cuộc sống đầy đủ, anh đã nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Ðài Loan.

Chính công việc chăm sóc hoa tại một nông trại nơi xứ người đã giúp anh có nhiều kinh nghiệm hơn về chăm sóc hoa. Sau 5 năm đi xuất khẩu lao động, Trần Ngọc Ruynh đã có chút vốn liếng để trở về nước thực hiện ước mơ làm giàu của mình. Cuối năm 2010, Trần Ngọc Ruynh lên tận Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương đặt mua 500 cây hoa ly giống về trồng thử nghiệm và cây ly phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Theo anh Ruynh, trồng hoa ly không khó nhưng khó nhất là cách chăm sóc khi cây ly chuẩn bị nở hoa. Nhiều người trồng ly vướng phải chuyện dở khóc dở cười khi chưa đến tết mà hoa đã nở bung khắp vườn. Có người chăm sóc nhưng cây phát triển mãi mà không ra nụ. Như vậy thì coi như mất trắng cả vốn lẫn lãi. Trồng hoa ly cũng có những bí quyết sao cho hoa nở đúng dịp tết. Có như vậy giá ly mới cao, đáp ứng được thị trường.



Anh Ruynh hướng dẫn vợ chăm sóc hoa ly trong vườn nhà


Lấy công làm lãi, ban đầu từ mấy trăm gốc ly, vợ chồng anh Ruynh lại tiếp tục đầu tư thêm giống, mở rộng diện tích. Khi đã nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, anh chị mạnh dạn mua các giống ly có chất lượng cao từ những trung tâm có uy tín để trồng. Năm 2011, khu vườn gần 1.000m2 của anh chị đã có hơn 3.500 cây ly, năm 2012 lên đến 4.000 cây ly. Thu nhập từ trồng ly phụ thuộc nhiều vào thời tiết, hoa đẹp thì giá thành sẽ cao.

Riêng năm 2012, trừ chi phí giống, phân bón và công chăm sóc, anh Ruynh thu về hơn 50 triệu đồng từ trồng ly. Năm nay, anh chị có hơn 10.000 gốc ly đang trong thời gian sinh trưởng tốt. Anh Trần Ngọc Ruynh cho biết: Những năm trước đây, hoa ly bán ra thị trường chủ yếu là các tỉnh lân cận có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/chậu. Năm nay sẽ tập trung vào thị trường trong tỉnh. Chi phí vận chuyển ít, không mất thời gian bảo quản trong quá trình vận chuyển mà giá thành phải chăng phù hợp với túi tiền của người dân.

Chị Mai Thị Thúy, vợ anh Ruynh chia sẻ: “Ngoài thời gian tham gia công việc của xã, tôi còn học kinh nghiệm trồng hoa từ chồng, rồi tìm hiểu thêm trên mạng internet. Tôi thấy trồng hoa ly không khó, chỉ cần chịu khó, kiên trì là thành công. Thời gian sinh trưởng của hoa ly từ 95 đến 100 ngày nên khi thu hoạch, gia đình tôi còn trồng thêm các giống hoa truyền thống như cúc, loa kèn..., tận dụng thời gian đất nghỉ để nuôi gà thả vườn”.

Vừa qua, gia đình anh Ruynh đã đấu thầu hơn 3.600m2 đất màu của xã Bình Nguyên. Vợ chồng anh chị đã lên kế hoạch đưa 300 gốc phật thủ giống ra trồng. Ðồng thời mở rộng thêm diện tích hoa và đưa một số giống hoa còn thiếu vắng trên thị trường Thái Bình vào trồng.

Theo báo Thái Bình