Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đang dần trở thành xu hướng tất yếu và đã được chứng minh bởi thực tiễn phát triển nông nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Tại Bắc Ninh, khi diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp thì việc trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, hiệu quả cao đang là một thách thức với nhiều cấp, ngành quản lý và khoa học.

Mặc dù nông nghiệp CNC tại Việt Nam đã bước đầu phát triển tại một số tỉnh thành như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… nhưng theo nhận định của ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Bắc Ninh, để hiện thực hóa nông nghiệp CNC vào sản xuất ở mỗi địa phương thực sự là một quá trình khó khăn. Kể từ năm 2002, mỗi năm, Sở KHCN Bắc Ninh đã tổ chức triển khai hàng chục đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp để khảo nghiệm, chọn tạo, nhân giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao… Tất cả các mô hình đều có sự hỗ trợ một phần vốn, vật tư của nhà nước và hỗ trợ 100% về kỹ thuật.

Dù đã có những thành công bước đầu nhưng do đầu tư lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao lại chứa đựng nhiều rủi ro nên việc nhân rộng mô hình rất chậm, chưa có hộ dân hoặc doanh nghiệp nào tự đầu tư sản xuất trong khi việc áp dụng các mô hình CNC nhỏ lẻ ở hộ nông dân gây khó khăn cho việc thực nghiệm chính xác các công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, canh tác.

Năm 2008, Dự án Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp CNC được UNBD tỉnh cho phép Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KHCN) làm chủ đầu tư ra đời được kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, là nơi chắp cánh cho một nền nông nghiệp hiện đại của tỉnh nhà. Với tổng kinh phí đầu tư dự kiến trên 152 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên diện tích 17ha tại các xã Việt Đoàn và Phật Tích, huyện Tiên Du gồm 2 hạng mục công trình chính là khu điều hành, nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm ứng dụng CNC (nhà nước đầu tư 100%) và khu sản xuất RAT, hoa chất lượng cao (nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất).Tính đến đầu năm 2014, 90% các hạng mục công trình đã hoàn thiện và sẵn sàng cho việc chính thức hoạt động vào năm 2015.

Trong suốt năm 2013, dự án đã tiến hành “chạy thử” và cho thấy những tín hiệu vui đầu tiên. Toàn bộ nhà lưới có diện tích 960m2 đã trở thành nơi thực nghiệm các giống hoa lan cao cấp và xuất bán cho thị trường Tết Giáp Ngọ trên 8.000 cây. Khu trồng hoa ly quy mô 4,5ha được đánh giá là bằng toàn bộ các mô hình nhỏ lẻ của cả tỉnh cộng lại với nhiều giống khác nhau cũng được doanh nghiệp đầu tư chăm sóc.

 

Hệ thống nhà lưới hiện đại phục vụ sản xuất hoa cao cấp tại Khu thực nghiệm nông nghiệp CNC
 

Bên cạnh đó là khu thực địa các giống nấm, giống chuối tiêu hồng, khoai tây theo phương pháp nhân giữ nuôi cấy mô của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN. Việc áp dụng kỹ thuật thâm canh như điều khiển ánh sáng, nhiệt độ trong nhà lưới, công nghệ tưới… bước đầu cho kết quả cao.

Theo kế hoạch, ngoài mục đích sản xuất các loại giống cây trồng chất lượng cao bằng áp dụng công nghệ sinh học, thử nghiệm, trình diễn những thành tựu mới về KHCN trong nông nghiệp để nông dân học tập, Khu thực nghiệm còn đồng thời hình thành điểm sản xuất nông nghiệp theo phương pháp công nghiệp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn có vốn, có kỹ thuật thuê đất sản xuất.



Diện tích 4,5ha trồng hoa ly được doanh nghiệp đầu tư sản xuất

 

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả, đơn vị phối hợp sản xuất hoa lan cao cấp tại khu nhà lưới đánh giá: “So với các địa phương khác của miền Bắc, cơ sở hạ tầng của Khu thực nghiệm nông nghiệp CNC Bắc Ninh khá hiện đại, tạo điều kiện cho chúng tôi sản xuất tốt các loại hoa cao cấp. Thêm vào đó, Khu thực nghiệm có vị trí gần thành phố Hà Nội, thị trường tiêu thụ rau hoa cao cấp lớn, chúng tôi rất tin tưởng đầu tư sản xuất tại đây”. 

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, một trong 6 định hướng cụ thể được xác định là ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường nông nghiệp với việc thu hút đầu tư vào khu nông nghiệp CNC. Với định hướng đó, khu thực nghiệm nông nghiệp CNC sẽ đóng vai trò “đầu tàu” mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật, công nghệ góp phần vào mục tiêu nâng giá trị sản xuất ngành trồng trọt/1ha đất canh tác của tỉnh đạt 140 triệu đồng năm 2015 và 235 triệu đồng năm 2020. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của Khu thực nghiệm này, theo ông Nguyễn Minh Tân, chính là góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống của nông dân, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp-nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo baobacninh.com.vn