Dễ làm, thu nhập gấp từ 2 - 4 lần sản xuất lúa... là kết quả mà mô hình trồng hoa ly và khoai tây bằng phương pháp mới tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm mang lại.

Thành công bước đầu

Vụ đông năm 2014, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT), Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kim Sơn triển khai 2 mô hình sản xuất trên đất 2 vụ lúa. Đó là mô hình trồng hoa ly với diện tích 1.000m2 và 8ha trồng khoai tây giống Đức bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Xác định việc thực hiện tốt 2 mô hình sản xuất này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần xây dựng thói quen sản xuất cây vụ 3 trên đất 2 lúa của người nông dân vào các năm tiếp theo, nên khi triển khai, Trạm Khuyến nông huyện đã chủ động phối hợp với Đảng ủy, UBND xã trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân 2 thôn Giao Tất B và Kim Sơn đăng ký tham gia.

Thăm mô hình trồng hoa ly tại thời điểm tháng 12/2014


Để giúp các hộ dân có kiến thức và niềm tin thực hiện tốt 2 mô hình sản xuất, Trạm khuyến nông huyện đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổ chức 3 buổi tập huấn kỹ thuật về sử dụng phân bón vi sinh, xử lý rơm, rạ sau thu hoạch và kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây khoai tây cho người dân. Bên cạnh đó, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ban chủ nhiệm HTX Dịch vụ và đội trưởng các đội sản xuất thường xuyên có mặt trên đồng nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, cũng như diễn biến của các loại sâu bệnh. Từ đó, kịp thời phổ biến kiến thức và trực tiếp hướng dẫn người dân các quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Riêng mô hình trồng hoa ly, Trạm cử một kỹ sư chuyên ngành cùng thực hiện, trực tiếp hướng dẫn nhóm hộ gia đình kỹ thuật chăm sóc.

Từ sự hỗ trợ này, cộng với cố gắng của các hộ dân nên mặc dù là các mô hình kinh tế mới được triển khai trên địa bàn xã, song đã đạt hiệu quả kinh tế cao ngoài sự mong đợi. Ông Nguyễn Viết Bằng, thôn Giao Tất B cho biết, gia đình ông trồng 2 sào khoai tây được hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư phân bón. Qua tập huấn, ông nắm vững đặc tính của loại cây này là cần nhiều phân hữu cơ và nước nên đã đầu tư thêm kinh phí mua phân hữu cơ bón lót và luôn đảm bảo đủ nước dưỡng cây. Do đó, khi thu hoạch khoai cho củ to, so với giống khoai ta trồng trước đây, năng suất tăng gấp 2 lần, so với cấy lúa thì giá trị thu nhập gấp từ 3 - 4 lần.


Cần nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Đức Khanh - Đội trưởng Đội Dịch vụ sản xuất thôn Giao Tất B là người vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp thực hiện cả 2 mô hình sản xuất cho rằng, mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu trên đất lúa và trồng hoa ly vụ đông 2014 vừa dễ làm, vừa phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng không chỉ ở xã Kim Sơn mà còn phù hợp với hầu hết các xã trên địa bàn huyện Gia Lâm. Theo ông Khanh, đây là vụ sản xuất không bị ảnh hưởng của mưa bão, sâu bệnh gây hại cũng ít nên rất thích hợp với cây khoai tây và cây hoa ly. Chính vì thế, ông Khanh mong rằng, thời gian tới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ để địa phương mở rộng mô hình trồng khoai tây và hoa chất lượng cao trên đất lúa nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân.

(Nguồn: baomoi.com)