Những năm gần đây, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất rất chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Cùng với việc xây dựng vùng lúa chất lượng cao, Đại Đồng còn chuyển đổi được gần 70 mô hình sản xuất nông nghiệp sang các cây trồng cho thu nhập cao, trong đó có mô hình trồng hoa ly.

Anh Nguyễn Hữu Cường, người đầu tiên phát triển mô hình trồng hoa ly tại xã cho biết, xuất phát từ đam mê làm giàu từ nông nghiệp và vốn kinh nghiệm 8 năm làm việc ở miền Nam, anh đã quyết tâm trở về Bắc làm kinh tế. Bước đầu, việc trồng hoa ly gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn kinh tế hạn hẹp, nguồn nhân lực ngoài Bắc chưa được chuẩn hóa, thị trường đầu ra chưa có, quỹ đất và nguồn phụ trợ không nhiều… Nhưng với ý chí làm giàu, anh đã đi học hỏi các nơi, tìm nguồn cung cấp giống, đào tạo người dân cách chăm sóc hoa…

 


 

Được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn thuê đất và bắt tay vào đầu tư mô hình trồng hoa ly. Sau hơn một năm vất vả trên đồng ruộng, với nguồn củ giống nhập ngoại từ Hà Lan, Chilê và nguồn giống tự làm lại, mô hình trồng hoa ly đã mang lại cho gia đình anh Cường nguồn thu nhập ổn định. Với giá bán tại ruộng từ 18.000 – 20.000 đồng/cành. Vào đợt cao điểm, loại bông to, nhiều nụ giá tới 40.000 – 50.000 đồng/cành. Trong năm 2012, với 6.000 gốc hoa ly, doanh thu của gia đình anh đạt trên 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 6 lao động với thu nhập   2 – 3 triệu đồng/người/tháng.


Ông Nguyễn Hữu Kế, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trồng hoa ly cao cấp là một hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi phải có kinh phí lớn và mặt bằng sản xuất phù hợp nên không phải người dân nào cũng có khả năng làm được. Do vậy, ngoài định hướng quy hoạch mô hình này vào 45ha chuyển đổi sản xuất nông nghiệp chất lượng cao thuộc khu đồng Hương Sen, thôn Minh Nghĩa, xã sẽ lập kế hoạch đào tạo, tập huấn và cho người dân đi thăm, học tập kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình trồng hoa ly khác trong TP.

Ngoài ra, xã cũng đã đề nghị huyện Thạch Thất sớm phê duyệt quy hoạch Khu đô thị xanh để tạo điều kiện cho địa phương giải quyết những vấn đề về dồn điền đổi thửa. Từ đó liên kết người sản xuất, nhà đầu tư và các nhà khoa học, đồng thời tăng cường liên kết với các đối tác trong và ngoài nước trong đầu tư phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, động viên khuyến khích người dân, từng bước nhân rộng mô hình trên địa bàn.

Theo Đức Toản