Một triệu cành hoa ly sau tết được xác định là bị “ế” và nhà vườn đang phải bán với giá chỉ từ 30.000 – 60.000đ/bó, chấp nhận thua lỗ nặng.

Hôm 25/2, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), ông Hồ Ngọc Dinh cho biết, trong vụ hoa tết vừa qua, tại địa phương có khoảng 80 gia đình trồng ly với diện tích là 12ha, sản lượng tương đượng 4 triệu cành. Trước tết, người trồng ly đã cắt bán được 4 triệu cành, giá cao nhất đạt 180.000đ/bó 5 cành. Tuy nhiên, hiện còn 1 triệu cành ly nữa đang bị ế, có giá bán rất thấp, chỉ từ 30.000-60.000đ/bó.

Nhiều hộ dân tại làng hoa Vạn Thành tranh thủ cắt hoa trong ngày cận Tết


Theo ông Phạm Văn Quy, một người trồng ly tại phường 12, TP Đà Lạt, chưa tình tiền thuê nhân công, điện, nước, tiền thuê đất…mỗi củ ly giống khi nhập về trồng đã có giá 17.000đ/củ, với giá bán hiện nay, nhà vườn trồng ly đang thua lỗ rất lớn.

Ông Nguyễn Tấn Triệu (làng hoa Thái Phiên) trồng 500m2 hoa ly nhưng bị nở muộn. Đến khi hoa đủ điều kiện xuất bán, chủ vựa thông báo thừa hàng, ông Triệu đành phải dùng xe máy chở hoa đến Ninh Thuận rao ngoài đường nhưng tiêu thụ không đáng kể. Còn theo ông Lê Tuấn (làng hoa Thái Phiên), với khoảng 400m2 hoa ly trồng bán tết bị ứ lại, tính ra gia đình ông mất trắng 200 triệu đồng.

Sau Tết 1 triệu cành ly bị “ế” phải bán với giá thấp


“Cứ 10 người trồng hoa (ly và cúc) tại làng hoa Thái Phiên có tám người thua lỗ, ít cũng vài trăm triệu, nhiều thì mất hàng tỉ đồng bởi loại hoa này có mức đầu tư lớn” - ông Tuấn cho biết.

Một số diện tích hoa ly phường 12 nở muộn nên giá rất thấp


Trong khi đó, những gia đình trồng hoa cúc mùa tết vừa qua cũng không có gì làm vui vẻ khi giá cúc ước tính là thấp hơn tết năm trước khoảng 10%, rất nhiều gia đình gửi hoa xuống các vựa tại TP HCM tiêu thụ nhưng hiện vẫn chưa biết giá hoa bán được bao nhiêu.

Bà Trần Thị Hồng (làng hoa Thái Phiên) - người chỉ bán được khoảng 30% số hoa cúc trong vườn - cho biết mới 25 tết, chủ vựa hoa ở miền Trung đã thông báo không mua tiếp, bà phải năn nỉ các chủ vựa cho ký gửi mỗi ngày một thùng hoa gọi là “ưu ái cho bạn hàng quen”. “Tiền bán hoa chưa nhận được mà tiền vay mượn để trả cước vận chuyển đã hơn 20 triệu đồng” - bà Hồng kể.

Sức mua hoa cúc đang giảm dần, các chủ vườn phải cắt nhanh toàn bộ vườn để kịp ký gửi bán khắp nơi 

 


Trong lúc hàng nghìn nông dân trồng hoa khốn đốn, không ít người đầu tư cho giống hoa mới lạ hoặc những loại hoa chỉ có thể trồng ở Đà Lạt lại thắng. Chẳng hạn, những người trồng lan hồ điệp tại Đà Lạt bội thu nhờ lan hồ điệp chậu nhỏ. Ông Đỗ Văn Ẩn (chủ trang trại trồng hoa lan Ngọc Ẩn) cho rằng kinh tế khó khăn nên nhu cầu trang trí tết của người dân cũng giảm, chưa kể nhiều người sống ở chung cư nên hoa chậu nhỏ dễ bán hơn, còn hoa chậu lớn khó tiêu thụ. “Đến 26 tết, chúng tôi đã bán sạch các chậu lan, cửa hàng chỉ lo tổ chức đi giao hàng” - ông Ẩn nói.

Ông Vũ Nhuần (làng hoa Hà Đông) cho biết trong nhiều loại hoa được gia đình ông đầu tư như cúc, đồng tiền, salem, cát tường..., riêng hoa cúc bị lỗ đến 50% vốn nhưng các loại hoa khác đã tiêu thụ hết từ 24 tết. Theo ông Nhuần, cả nước đều trồng được hoa cúc, năm nay các tỉnh phía Bắc và miền Trung cũng tham gia trồng hoa ly nên các loại hoa này dội chợ là khó tránh khỏi. “Hoa ly Đà Lạt đẹp hơn nhưng giá bán (bao gồm phí vận chuyển) lên tới hơn 200.000 đồng/bó, trong khi hoa trồng tại chỗ có giá chỉ bằng một nửa, làm sao cạnh tranh nổi” - ông Nhuần nói.

Hoa cát tường được người tiêu dùng các tỉnh phía Nam ưa chuộng

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, giám đốc hợp tác và thu mua Công ty Dalat Hasfarm, cho biết doanh số của công ty trong vụ hoa tết năm nay tiếp tục tăng, do công ty chỉ sản xuất các loại hoa đặc trưng của Đà Lạt như thu hải đường, tulip, trường sinh chậu nhỏ, đồng tiền...

Trong khi đó, theo ông Nghĩa, nhiều người dân Đà Lạt lại trồng các loại hoa mà ở đâu cũng trồng được, giá trị lại thấp nên khó tránh khỏi thất bại. “Muốn tham gia thị trường hoa tết, nông dân Đà Lạt nên thay đổi cách thức, đó là sản xuất những loại hoa có thể bán trong và cả sau tết chứ không đặt cược vào hoa tết mà không đầu tư giống mới, đặc trưng của Đà Lạt. Chứ làm hoa tết theo kiểu hiện nay của nông dân Đà Lạt là “liều mình” kiếm sống, có nhiều nguy cơ thua lỗ” - ông Nghĩa nói.

Theo baomoi.com và cand.com.vn