Chúng tôi về đội 4 thôn Hồng Phong, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) thăm vườn hoa của ông Trần Ngọc Vinh (77 tuổi) hội viên hội sinh vật cảnh Quỳnh Lưu vào một ngày áp Tết Nguyên Đán. 

Ở đời, về hưu thường là lúc con người ta nghỉ ngơi hưởng an nhàn, nhưng ông Vinh đã cùng với vợ là bà Vũ Thị Huấn bắt tay vào việc làm giàu trên chính mảnh đất vườn cằn cỗi vẻn vẹn 250m2. Theo ông Vinh, những năm 80 của thế kỷ trước vùng đất này bị nhiễm mặn rất nặng. Riêng mảnh vườn của ông xưa kia chính là chân ruộng muối. Nếu bây giờ đào sâu xuống đất vườn cỡ 50cm sẽ gặp một lớp bùn đất với cơ man nào là vỏ sò, vỏ điệp...

“Việc cải tạo đất hồi đó gặp rất nhiều khó khăn, chồng thì công tác xa nhà, con thì còn nhỏ, tôi là giáo viên trường làng, vừa đi dạy lại phải tự tay làm lấy mọi việc. Trước tiên là dùng nước ngọt để rửa mặn rồi sau đó mới bồi đất trồng màu như lạc, đậu, rau các loại... Nhưng thấy rau màu hiệu quả kinh tế thấp, chúng tôi đã chuyển sang trồng cây ăn quả và sau này là trồng hoa”, bà Huấn tâm sự.

Hơn chục năm trở lại đây, cứ vào khoảng giữa năm, ông Vinh lại lặn lội vào tận Đà Lạt rồi ra cả Hà Nội tìm đặt các loại giống hoa. Cây con sau đó sẽ được tập kết về tại nhà ông. Từ đây các giống hoa sẽ được phân phối cho nông dân trong và ngoài huyện. “Mùa hoa năm nay, tôi đặt mua ở Đà Lạt và Hà Nội 100 vạn cây hoa cúc các loại, phân phối cho Diễn Châu, Yên Thành, TP.Vinh, Nghi Lộc, Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu mỗi huyện 10 vạn cây con, riêng Nghĩa Đàn là 20 vạn cây”, ông Vinh cho biết.

Mảnh vườn nhỏ của gia đình ông, những năm đầu thử nghiệm mô hình chỉ có một vài loài cúc và hoa thúy. Gần đây vườn nhà ông còn có thêm nhiều loài hoa đẹp như lay ơn, ly, đồng tiền, thạch thảo, cẩm chướng... nhưng cúc vẫn là loài hoa chủ đạo, đều đặn mỗi năm trồng hai vụ. 

 

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, câu nói đó đã đúng với lão nông Trần Ngọc Vinh khi những cây hoa ly đã cho đơm bông đợi ngày xuất vườn


Chị Trần Thị Hường (con gái ông Vinh) cũng đã nối nghiệp cha mình trồng hoa từ năm 2000, mỗi năm mang về thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng. Để phục vụ cho thị trường Tết năm nay, chị Hường mạnh dạn đầu tư trồng tới 9 vạn hoa cúc các loại phủ kín cả 4 sào đất vườn. “Loại đất nào có thể trồng rau thì trồng được hoa. Chỉ tính riêng thôn Hồng Phong (An Hòa - Quỳnh Lưu) năm 1998 diện tích trồng hoa chỉ có mảnh vườn nhỏ trên 200m2 của tôi, nay đã có gần 20 hộ trồng với diện tích xấp xỉ 10.000m2”, ông Vinh tâm sự.

Thu hoạch hoa vào thời điểm áp Tết hàng năm là dịp mà ông Trần Ngọc Vinh và bà con thôn Hồng Phong chờ đợi nhất, bởi họ sẽ được gặt hái thành quả sau bao ngày lao động vất vả. Những chiếc xe lam, xe tải, xe máy từ các đại lý trên địa bàn Nghệ An nườm nượp về mua hoa. 

Vừa dẫn chúng tôi đi một vòng thăm vườn, ông Vinh vừa tâm sự: “Năm nay người trồng hoa chúng tôi gặp nhiều thuận lợi do trời nắng ấm hơn mọi năm, cây hoa sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh...”. Lòng đầy hứng khởi, lão nông Trần Ngọc Vinh khoe mấy câu thơ mới sáng tác:
               “Sáng dậy ngắm chùm hoa nhỏ
                Chiều về thơ thẩn tỉa cành chơi
                Làm bạn với hoa cùng cây cảnh
                Mà vui mà sướng cả cuộc đời”.

Ở cái tuổi 77, có lẽ ít ai được mạnh khỏe, yêu đời và ý chí làm giàu như ông. Ông nói: “Duyên cơ với rau, hoa, quả và người nông dân đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống!”.

Theo dantri.com.vn