Theo thống kê mới nhất về sản xuất thương mại Saffron năm 2019, Iran là quốc gia sản xuất Saffron lớn nhất thế giới, cung cấp 430 tấn trong tổng số 450 tấn Saffron được sản xuất trên toàn thế giới. Xếp vị trí thứ 2 là Ấn Độ, với sản lượng 22 tấn Saffron/năm. Các quốc gia sản xuất Saffron khác bao gồm: Hy Lạp (7,2 tấn), Afghanistan (6 tấn), Maroc (2,6 tấn), Tây Ban Nha (2,3 tấn), Ý (1 tấn), Trung Quốc (1 tấn) và Azerbaijan (0,23 tấn). Ngoài ra, cũng có các nhà sản xuất Saffron khác với sản lượng ít hơn như: Argentina, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, UAE, Qatar, Hà Lan, Luxembourg, Kuwait, Ả Rập Saudi, Đức, Ba Lan, Pháp, Bồ Đào Nha, Brazil, Peru, Paraguay, Mexico và Mỹ.

1. Iran

Iran là nhà sản xuất và xuất khẩu Saffron lớn nhất trên thế giới, chiếm 95,5% sản lượng Saffron toàn cầu, với thị phần xuất khẩu là 36,7%, trị giá 101,32 triệu đô la. Theo số liệu thống kê về thương mại Saffron của Iran, sản lượng Saffron của nước này dự kiến sẽ đạt 500 tấn vào năm 2020. Tại Iran, có 24 tỉnh tham gia sản xuất Saffron với tổng diện tích canh tác Nghệ tây là 124.000ha. Các tỉnh có diện tích trồng Nghệ tây cao nhất gồm: Khorasan Razavi (84.226ha), Nam Khorasan (15.782ha), Bắc Khorasan và các tỉnh khác (23.992ha).

Cánh đồng trồng Nghệ tây ở Iran

Saffron của Iran được xuất khẩu tới 40 quốc gia trên thế giới, trong đó 50% Saffron được xuất khẩu tới Tây Ban Nha, còn lại là UAE, Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Ý…Ngoài ra, Iran cũng nhập khẩu Saffron từ các nước khác trên thế giới nhưng lại áp đặt mức thuế cao nhất đối với loại hàng này. 

2. Tây Ban Nha

Tây Ban Nha là nước xuất khẩu Saffron lớn thứ hai trên thế giới và chiếm 20,7% thị phần xuất khẩu Saffron toàn cầu, trị giá 57,08 triệu đô la Mỹ. Các tỉnh sản xuất Saffron chính ở Tây Ban Nha bao gồm Teruel ở phía Đông bắc, Cuenca, Albacete và Ciudad Real ở vùng Castilla-La Mancha của miền trung Tây Ban Nha. Mỹ (25,9%), Ả Rập Xê Út (13,2%) và Ý (9,9%) là những nước nhập khẩu Saffron lớn nhất của Tây Ban Nha. 

Sản phẩm Saffron của Tây Ban Nha

3. Afghanistan

Afghanistan là nước xuất khẩu Saffron lớn thứ ba trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất về sản lượng Saffron năm 2018, 13 tấn Saffron đã được thu hoạch từ 6.200ha diện tích canh tác ở Afghanistan, tăng trưởng đáng kể so với sản lượng 1 tấn Saffron năm 2013. Afghanistan chiếm 16,2% thị phần xuất khẩu Saffron toàn cầu, với trị giá 44,58 triệu đô la Mỹ và là thị trường đang tăng trưởng của sản phẩm này. Các nước nhập khẩu Saffron chính của Afghanistan bao gồm Ấn Độ, Ả Rập Xê-út, Pháp, UAE, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó Afghanistan cũng nhập khẩu 65,7% Saffron từ Iran - quốc gia sản xuất Saffron lớn nhất thế giới. 

Các công nhân Afghanistan đang tách nhụy hoa Nghệ Tây

4. Ấn Độ

Ấn Độ là nhà sản xuất và nhập khẩu Saffron lớn thứ hai trên thế giới. Giá trị nhập khẩu Saffron của Ấn Độ là 31,06 triệu đô la Mỹ (chiếm 11,3% tổng kim ngạch nhập khẩu Saffron toàn cầu). Các nguồn Saffron chính được nhập khẩu vào nước đến từ Afghanistan (94,5%), UAE (1,6%), Qatar (1,4%), Hồng Kông  (1,3%), Tây Ban Nha (0,7%) và Iran (0,4%).

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là nhà xuất khẩu Saffron lớn thứ tư trên thế giới, với giá trị xuất khẩu đạt 9,48 triệu đô la Mỹ. Saffron của nước này được xuất khẩu chính sang Hồng Kông và một số quốc gia khác như: Mỹ, Oman, Qatar và Úc. 

Thu hoạch Saffron ở Ấn Độ

Cây Nghệ tây được trồng chính ở hai bang thuộc miền Bắc Ấn Độ là Jammu & Kashmir (J&K) và Himachal Pradesh. Diện tích gieo trồng Nghệ tây ở J&K năm 2020 là 3715ha, sản lượng đạt 13,2 tấn (cao nhất trong 10 năm trở lại đây) và năng suất đạt 4,92kg/ha (cao hơn 4,07kg/ha vào năm 2019).

5. Hy Lạp

Hy Lạp là nhà sản xuất Saffron chính của châu Âu, đứng thứ 5 về xuất khẩu Saffron toàn cầu, chiếm 3,4% thị phần xuất khẩu của thế giới (bằng với Ấn Độ) nhưng giá trị tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Saffron nước này lại thấp hơn nhiều (chỉ đạt 26,6%) so với Ấn Độ (420,3%). Saffron của Hy Lạp được xuất khẩu chủ yếu đến các nước gồm Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Sĩ và Đức. Trong khi đó, hầu hết lượng Saffron nhập khẩu vào nước này đến từ các quốc gia như Ý, Iran, Tây Ban Nha và Pháp. 

6. Moldova

Moldova là nước xuất khẩu Saffron lớn thứ sáu trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu Saffron trị giá 7,94 triệu đô la Mỹ và chiếm 2,9% thị phần xuất khẩu Saffron toàn cầu. 100% Saffron của nước này được xuất khẩu đến Hồng Kông. Moldova cũng nhập khẩu Saffron từ các quốc gia khác như Hy Lạp, Iran, Romania, Phần Lan và Ý. 

7. Hồng Kông

Hồng Kông là nhà nhập khẩu Saffron lớn nhất trên thế giới với giá trị nhập khẩu đạt 100 triệu đô la Mỹ (chiếm 36,3% thị phần nhập khẩu toàn cầu), trong đó 77,9% lượng Saffron được nhập khẩu từ Iran. Hồng Kông cũng là nước xuất khẩu Saffron lớn thứ bảy trên thế giới, chiếm 2,3% thị phần xuất khẩu Saffron toàn cầu, trị giá 6,28 triệu đô la Mỹ. Saffron của nước này được xuất sang Ả Rập Xê Út, Ý, Ấn Độ và Trung Quốc. 

8. Trung Quốc

Trung Quốc nhập khẩu khoảng 0,2% lượng Saffron nhập khẩu của thế giới và đứng thứ 26 trong số các nước nhập khẩu Saffron trên toàn cầu. Saffron được nhập khẩu vào Trung Quốc từ các nước như Hồng Kông, Đức, Afghanistan và Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó, nước này cũng xuất khẩu Saffron sang Ả Rập Saudi, Ý, Vương quốc Anh và Hồng Kông, trị giá 5,76 triệu đô la và đứng vị trí thứ 8 trong số các nhà xuất khẩu Saffron trên thế giới.

Tương lai của ngành sản xuất Saffron toàn cầu

Theo Báo cáo mới nhất của Grand View Research-Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường của Mỹ thì giá trị thương mại của Saffron trên thế giới đạt 881,7 triệu đô la Mỹ năm  2019, đạt 944 triệu đô la Mỹ năm 2020 và dự kiến đạt 1,55 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% giai đoạn 2020-2027.

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19 nhưng sản xuất Saffron trên thế giới dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đều ở tất cả các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, đặc biệt là nhu cầu sử dụng Saffron trong lĩnh vực dược phẩm ở các nước có dân số tăng nhanh. Các công ty dược phẩm lớn ở Châu Âu đã nhìn thấy cơ hội này và đang tăng cường các hoạt động nghiên cứu, phát triển Nghệ tây như một chất chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh và chống u bướu.

Nguồn: Tạp chí Việt Nam Hương sắc