Thổ Nhĩ Kỳ là nước sản xuất tinh dầu hoa hồng lớn nhất thế giới (chiếm thị phần 50%), tiếp đến là Bulgaria (40%) và 10% còn lại được chia cho 4 nước gồm Afghanistan, Iran, Morocco và Ấn Độ. Tổng sản lượng tinh dầu hoa hồng của Thổ Nhĩ Kỳ ước đạt 1,5 tấn/năm và 7 tấn concrete/năm (trong khi nhu cầu tiêu thụ tinh dầu hoa hồng của thế giới là 4,5 tấn/năm). Giá trị xuất khẩu tinh dầu hoa hồng của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2002 đến năm 2012 dao động trong khoảng 8 đến 12 triệu đô la Mỹ/năm và hiện đang ở mức cao nhất là 12,6 triệu đô la Mỹ (năm 2012).

Hai loài hoa hồng chính được trồng để sản xuất tinh dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ là: Rosa damascenaRosa alba.

Rosa damascena

Vùng trồng hoa hồng để sản xuất tinh dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ tập trung ở tỉnh Isparta, thuộc phía Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ và một số tỉnh giáp ranh khác như Afyon, Denizli và Burdur. Tổng diện tích sản xuất ước tính là khoảng 2.300ha, trong đó ước tính 1.600ha ở Isparta, 380ha ở Budur, 280ha ở Afyon và khoảng 30ha ở Denizli.

Trồng hoa hồng ở tỉnh Isparta

Sau khi trồng các cành hoa hồng trên một cánh đồng, phải mất ít nhất 3 năm để một cây hoa hồng đạt được sự trưởng thành. Một cánh đồng hoa hồng trưởng thành thường cho thu hoạch 5 tấn hoa hồng tươi trên mỗi ha và cho hiệu quả thu hoạch từ 20 đến 30 năm. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc cẩn thận, năng suất có thể tăng lên 7 đến 8 tấn/ha. Thời vụ thu hoạch hoa hồng thường kéo dài khoảng một tháng, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6. Hoa hồng được lựa chọn cẩn thận vào buổi sáng sớm trong ngày và được vận chuyển đến các nhà máy hoặc đến các địa điểm thu gom của các công ty khác nhau. Một công nhân lành nghề có thể hái được khoảng 40kg hoa hồng trong 8 giờ. Các nhà máy vẫn mở cửa 24 giờ một ngày, được chia thành 3 ca. Khi vụ mùa kết thúc, các nhà máy được làm sạch và đóng cửa cho đến vụ mùa tiếp theo.

Thu hoạch hoa hồng bằng tay

Các bông hoa tươi sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào chưng cất tinh dầu bằng phương pháp cất kéo hơi nước hoặc trích ly (hòa tan trong dung môi).

Khi dùng phương pháp cất kéo hơi nước (chưng cất bằng hơi nước) thì thông thường cứ 3-3,5 tấn hoa tươi sẽ thu được 1kg tinh dầu (có giá bán khoảng 8000 euro). Thêm vào đó sẽ thu được một sản phẩm phụ thương mại quan trọng là nước hoa hồng – loại nước được sử dụng trong quá trình chưng cất có chứa một số hợp chất hương liệu không tách ra với dầu ở giai đoạn chưng cất. Nước hoa hồng sản xuất thương mại có thể được pha loãng với nước tinh khiết bổ sung (ví dụ theo tỷ lệ 1: 1). Ngoài ra, nước hoa hồng có thể được sản xuất bằng cách thêm một lượng nhỏ dầu hoa hồng vào nước tinh khiết - có tới 1% dầu được sử dụng (tạo ra một loại nước hoa hồng thơm nồng đáng ngạc nhiên).

Hoa hồng tươi sau khi thu hái

Hoa hồng cũng có thể được chiết xuất bằng dung môi (ví dụ như hexane) để tạo ra hỗn hợp ở dạng sệt gọi là “concrete”. Concrete là một hỗn hợp gồm tinh dầu, sáp, nhựa thơm và một số tạp chất khác (axit hữu cơ) ở dạng sệt. Để tách sáp và tạp chất người ta hòa tan ‘concrete’ bằng rượu Etylic sau đó đem làm lạnh ở -15oC, sáp và tạp chất sẽ đông đặc lại và dễ dàng để lọc, tách ra. Lúc này hỗn hợp chỉ còn lại rượu và tinh dầu, người ta dùng phương pháp cất để tách rượu và thu được tinh dầu tuyệt đối. 

Tinh dầu hoa hồng của Thổ Nhĩ Kỳ thường là dạng lỏng, có màu vàng nhạt đến xanh, mùi thơm mạnh mẽ và ngọt ngào của hoa hồng, trọng lượng riêng (ở 25oC) từ 0,844 – 0,868.

Sản phẩm tinh dầu hoa hồng của Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà sản xuất tinh dầu hoa hồng chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là Gulbirlik - một Hiệp hội gồm 6 hợp tác xã, với 8000 thành viên, 4 nhà máy chưng cất tinh dầu hoa hồng và 2 đơn vị khai thác để sản xuất concrete với tổng công suất chế biến hàng ngày khoảng 3 tấn hoa. Ngoài ra thì còn có Hợp tác xã Basmakci ở Afyon với 3000 thành viên và có 8 công ty vừa và nhỏ khác cũng đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Ngoài việc sản xuất tinh dầu hoa hồng thì Thổ Nhĩ Kỳ còn sản xuất một loạt các loại tinh dầu khác, bao gồm cả tinh dầu họ cam quýt (cam, chanh). Các loại tinh dầu chính được sản xuất ngoài dầu cam quýt là tinh dầu từ lá nguyệt quế, origanum (kinh giới), hoa oải hương và bạc hà. Các loại tinh dầu khác được sản xuất bao gồm: tinh dầu thì là, hồi, cây xô thơm, cây bách xù, hương thảo, tía tô, bồ đề và trinh nữ. Tinh dầu bồ đề là từ loài Liquidamber directionalis (khác với tinh dầu bồ đề của Mỹ từ loài L. styraciflua từ vùng Đông Nam nước Mỹ, Mexico và Trung Mỹ).

Tổng giá trị xuất khẩu cho tất cả các loại tinh dầu hiện vào khoảng 25 triệu đô la Mỹ. Pháp là thị trường nhập khẩu tinh dầu chính, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng, tiếp đến là các nước EU (bao gồm Thụy Sĩ) và Mỹ chiếm khoảng 22% và phần còn lại là từ các nước nhập khẩu khác.

Nguồn: Tạp chí Việt Nam Hương sắc