Vợ chồng ông Đỗ Hữu Biên, ở Đội 12, HTX số 3 Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết, nhà ông năm nay đầu tư 5 sào hoa ly Tết. Do đất ở Tây Tựu đã bạc màu nên gia đình ông phải thuê đất ở huyện Đan Phượng để trồng cho năng suất cao. Để đầu tư 5 sào hoa ly, ông Biên phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 500 triệu đồng.

Cánh đồng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội những ngày này không nhuộm đỏ sắc hồng, sắc vàng quen thuộc mà thay vào đó là những tấm lưới đen quây kín từng thửa ruộng. Người người, nhà nhà đổ xô theo nhau trồng hoa ly Tết với số tiền đầu tư lên tới con số “khủng” nhất từ trước tới nay: trên dưới 600 tỷ đồng. Nói như chính quyền xã Tây Tựu thì chưa bao giờ người trồng hoa ở đây lại mạo hiểm đến thế, rất nhiều gia đình đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng cả tỷ đồng để đầu tư vào hoa ly. Chính quyền xã cũng rất lo lắng bởi người nông dân đang đánh cược với tài sản của mình.

Nghe người bạn nói ở Tây Tựu rất nhiều nông dân thế chấp sổ đỏ nhà cửa, đất đai để vay ngân hàng vài tỷ đồng đầu tư vào trồng hoa ly vụ Tết, sáng 15/11 chúng tôi về làng hoa Tây Tựu để xem thực hư. Vừa tới đầu Hợp tác xã (HTX) số 3 Tây Tựu, nhiều bà con nông dân đang chăm bón hoa ở đây đều gật đầu xác nhận: nhiều gia đình nhổ hồng lên để trồng hoa ly. Ông Đỗ Trung Tính, ở Đội 11, HTX số 3 Tây Tựu khoe: “Năm ngoái tôi trồng 1 sào hoa ly, lãi được gần 80 triệu đồng. Thấy thế năm nay tôi vay anh em được hơn 300 triệu đầu tư trồng 3 sào. Giờ thấy bà con nhà nhà cùng trồng nên cũng lo, nó như đánh bạc ấy cô ạ”.

Đang ngắt hoa hồng, thấy chúng tôi hỏi thăm, vợ chồng ông Đỗ Hữu Biên, ở Đội 12, HTX số 3 Tây Tựu cho biết, nhà ông năm nay đầu tư 5 sào hoa ly Tết. Do đất ở Tây Tựu đã bạc màu nên gia đình ông phải thuê đất ở huyện Đan Phượng để trồng cho năng suất cao. Để đầu tư 5 sào hoa ly, ông Biên phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 500 triệu đồng.

“Hôm tivi bảo bão số 14 đổ bộ về, cả gia đình tôi không ăn không ngủ, lo mưa ngập thì thối hết cây. May quá bão không về. Bây giờ lúc nào tôi cũng cắt cử 1 người và đem theo một con chó lên tận trên vườn để trông hoa”- vợ ông Biên phân bua. Đánh cược với hoa là câu nói cửa miệng mà đi đến đâu chúng tôi cũng được người dân ở đây nhắc đến. Vì theo họ thì chưa bao giờ ở Tây Tựu lại trồng nhiều hoa ly đến như thế. Vốn đổ vào hoa chủ yếu là đi vay ngân hàng, vay anh em, bạn bè. Có người đã “cắm” sổ đỏ đất đai, nhà cửa được vài tỷ đồng để đánh cược vào canh bạc hoa ly này. “Phải quyết tâm, phải liều mới bứt lên được”- ông Biên khẳng khái.

Chính quyền xã Tây Tựu lo lắng trước tình trạng ồ ạt trồng hoa ly của người dân


Ông Biên cho biết, số tiền ông bỏ ra đầu tư vào hoa ly chưa thấm vào đâu, có người còn vài tỷ, thậm chí cả chục tỷ. Những người có kinh nghiệm về trồng hoa ly ở Tây Tựu như ông Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Cúc ở HTX số 2 đầu tư cả chục tỷ vào vụ ly Tết đã đành, theo ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ nhiệm HTX số 2 Tây Tựu thì nhiều nông dân ở đây lần đầu tiên trồng hoa ly cũng đã đầu tư một số vốn khá lớn, lên tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Năm nay, riêng HTX số 2 có trên 10ha trồng hoa ly, tăng xấp xỉ gấp 5 lần so với năm ngoái. Ngoài ra còn thuê 20ha đất ở xã khác để trồng hoa này. Theo tính toán của ông Nhâm thì để trồng 1 sào hoa ly phải cần tới 100 triệu tiền giống (chưa kể chi phí nhà lưới). Có người đầu tư 3 mẫu, 5 mẫu, thậm chí cả chục mẫu thì số tiền lên tới cả chục tỷ đồng. “Trong HTX rất nhiều người vay ngân hàng thế chấp sổ đỏ để lấy vốn. Nếu giá hoa có kém hơn năm ngoái thì người trồng vẫn có lãi, thu nhập vẫn cao hơn trồng hoa khác”.

Nguyên nhân khiến người dân Tây Tựu đua nhau trồng hoa ly, theo ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu thì do Tết năm ngoái, một số hộ trồng ly ở Tây Tựu thắng lớn, nên năm nay bà con đua nhau ồ ạt trồng theo. Nếu như năm ngoái 1 người trồng ly thì năm nay 40 người trồng, nhà nào trồng 2 sào thì năm nay tăng lên 4 sào, có gia đình đầu tư trồng vài mẫu, tiền không có thì đi vay ngân hàng. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Tây Tựu thì diện tích trồng hoa ly năm nay của xã tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. “Có khoảng trên 200ha trồng hoa ly, diện tích trên địa bàn xã là 38%, còn lại đi thuê đất ở các địa phương xung quanh để trồng”- ông Hòa cho biết.

Ông Hòa nhận định, hoa ly là một loại cây mang lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân Tây Tựu, thời gian sinh trưởng ngắn, vốn lớn, gặp thời tiết thuận lợi thì cho thu nhập cao, lợi nhuận tăng gấp 3 lần. “Nếu thời tiết thuận lợi thì thì thu nhập rất lớn nhưng cũng có thể mất trắng” - ông Hòa  không giấu nổi băn khoăn, lo lắng và khẳng định: “rủi ro là rất lớn”. Dù công nghệ hay kinh nghiệm có cao đến đâu thì con người cũng không thắng nổi thời tiết. “Chỉ cần 1 trận bão hay trận lụt như năm 2008 là mất trắng hết. Cơn bão 14 vừa rồi, ai cũng mất ăn mất ngủ, nhà nào cũng chuẩn bị vài chiếc máy bơm để bơm nước nếu có bão. Hoa ly mà ngập nước thì coi như bỏ đi. Mưa quá, rét quá hay ấm quá cũng hỏng. Nếu trời rét quá, cây sinh trưởng bị kéo dài, khi nắng ấm lên thì thu hoạch dồn dập, rất nguy hiểm. Tình huống này đã xảy ra cuối năm 2011 và hoa nhiều quá không bán được. Con người không thể lường hết được thời tiết” - ông Hòa giải thích.

Trước tình trạng nông dân ồ ạt thế chấp sổ đỏ ngân hàng vay tiền trồng hoa ly với một diện tích quá lớn như hiện nay, UBND xã Tây Tựu đã có cảnh báo tới bà con, khuyên bà con cần cân nhắc kỹ, nhưng bà con vẫn quyết tâm đeo đuổi. Theo ông Hòa thì: “Đây là sự liều lĩnh, nó giống như canh bạc. Cơn bão số 5 vừa rồi xã chúng tôi đã thiệt hại lên tới gần 60 tỷ đồng. Nay lại có khá nhiều hộ đầu tư 2 - 3 tỷ đồng trồng hoa ly, số hộ vay ngân hàng hiện rất lớn. Đây là thực trạng đáng báo động mà chính quyền xã rất lo lắng bởi nhà cửa, tài sản của bà con đã thế chấp. Dư nợ của bà con nông dân ở Tây Tựu tại các ngân hàng hiện nay lên tới 100 tỷ đồng”.

Đầu tư gần 600 tỷ đồng vào trồng hoa ly, những nông dân ở Tây Tựu giờ chỉ biết nín thở trông chờ thời tiết. Nếu thời tiết chiều lòng người, hoa ly sẽ cho năng suất cao, mở ra một bước chuyển về kinh tế cho địa phương.

Theo Trần Hằng