Trong các nhóm lai hoa ly quan trọng thì hoa loa kèn đứng vị trí thứ hai, sau nhóm hoa ly lai không thơm (Asiatic Lily). Tại Mỹ, hoa loa kèn được sử dụng làm hoa trồng chậu. Còn tại một số nước khác như: Hà Lan, Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, hoa loa kèn được sử dụng làm hoa cắt cành.

Tại Mỹ

Ở Mỹ, trước năm 1941, nước này hàng năm phải mua gần 40 triệu củ giống loa kèn hoa loa kèn từ Nhật Bản. Nhưng sau chiến tranh thế giới II, Mỹ đã không còn phải nhập khẩu củ giống loa kèn từ Nhật Bản nữa, thay vào đó họ đã trồng và tự sản xuất được củ giống hoa loa kèn với chất lượng cao.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, giá trị bán lẻ của hoa loa kèn năm 1995 đạt 37,4 triệu đô la. Năm 1996, khoảng 11,5 triệu củ giống hoa loa kèn được vận chuyển đến các nhà lưới trồng hoa thương mại của Mỹ và Canada bằng đường biển. Hiện nay, tại Mỹ đã có trên 95% củ giống hoa loa kèn được sản xuất ở các trang trại ở California và Oregon. Giống loa kèn 'Nellie White' là giống bán chạy nhất ở Mỹ hiện nay. Diện tích trồng hoa loa kèn năm 2005/2006 tại Mỹ là 200ha.

Sản xuất hoa ở Mỹ và giống loa kèn 'Nellie White'

Ở Bắc Mỹ, năm 1999, hoa loa kèn được xếp hạng 4 về giá trị bán lẻ (36,7 triệu đô la) trong tổng số các loại hoa trồng chậu. Ước tính năm 2000-2001, số lượng hoa hoa loa kèn được trồng sẽ là 8.906.000 chậu. Năm 2004, hoa loa kèn là một trong 5 loại hoa chậu có giá trị kinh tế nhất ở Hoa Kỳ với số lượng đưa ra ngoài sản xuất là 9,3 triệu chậu và giá trị bán buôn khoảng 38,5 triệu đô la Mỹ.

Tại Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia sản xuất hoa loa kèn chiếm ưu thế trên thế giới tính đến những năm 1940. Trong hơn 100 năm qua, Nhật Bản đã trồng hoa loa kèn và xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu, tại đây chúng được sử dụng làm hoa chậu và hoa cắt cành. Năm 1928, Nhật Bản xuất khẩu xấp xỉ 30 triệu củ giống hoa ly, trong đó 78% là hoa loa kèn. Năm 1937, con số này tăng lên là 40 triệu củ giống. Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới II, xuất khẩu loa kèn của Nhật Bản sang Mỹ đã giảm sút rõ rệt. Năm 1997, Nhật Bản xuất khẩu 22,9 triệu củ loa kèn và con số này giảm xuống còn 1 triệu củ vào năm 2001.

Năm 1996, 67 triệu củ giống loa kèn được sản xuất trên 430ha tại Nhật Bản. Diện tích sản xuất hoa cắt là 550ha với sản lượng hoa cắt là 157 triệu cành. Kagoshima, Koochi và Fukuoka là nơi sản xuất chính của hoa loa kèn. Hoa loa kèn được trồng chủ yếu ở Hyogo với diện tích trên 11ha và trên 40ha ở Nagano với số lượng cành hoa cắt ước tính vào khoảng 15 triệu cành. ‘Hinomoto’ là giống chiếm 95% trong sản xuất hoa loa kèn hiện nay ở Nhật Bản.

Năm 2001, diện tích sản xuất củ giống hoa ly ở Nhật Bản là 189ha, cung cấp 34,8 triệu củ giống cho tiêu dùng nội địa với giá trị thương mại là 1400 triệu yên. Trong khi đó, diện tích sản xuất hoa cắt là 880ha, cung cấp 198,9 triệu cành cho tiêu dùng nội địa với giá trị là 2400 triệu yên. Tuy nhiên, nước này cũng nhập khẩu 173,7 triệu củ giống hoa ly từ các nước khác. Năm 2005/2006, diện tích trồng giống hoa loa kèn và hoa ly thơm (Oriental Lily) là 175ha.

Tại Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, hoa ly xếp vị trí thứ 4 trong số các loại hoa cắt quan trọng và là một trong số các loại hoa chiến lược cho xuất khẩu sang Nhật Bản từ năm 1990. Diện tích sản xuất hoa ly năm 1985 là 32ha và đã tăng lên 223ha năm 1992. Trong số đó, 143ha được sử dụng cho sản xuất hoa cắt cành và giống hoa loa kèn chiếm 55% diện tích này. Hàn Quốc đã nhập khẩu 8 triệu củ giống hoa ly (1,6 triệu đô la) từ Hà Lan cho sản xuất hoa cắt, trong khi xuất khẩu hoa cắt lần đầu tiên sang Nhật Bản năm 1993 là 580.000 cành (1 triệu đô la).

Giống hoa loa kèn "Raizan" và "F1 Augusta"

Năm 2003, xuất khẩu hoa ly cắt cành ở Hàn Quốc sang Nhật Bản thu về khoảng 10 triệu đô la, tuy nhiên nước này cũng nhập khẩu củ giống từ Hà Lan với giá trị khoảng 4 triệu đô la. Năm 2009, diện tích sản xuất hoa ly là 212ha, với sản lượng hoa cắt là 46 triệu cành. Hơn 25% trong số này (12 triệu cành) được xuất khẩu sang Nhật Bản. Các giống trồng phổ biến ở Hàn Quốc bao gồm giống lai không thơm (Asiatic Lily), hoa ly thơm (Oriental Lily) và hoa loa kèn. Gần đây, việc trồng trọt giống lai hoa loa kèn như ‘Raizan’, ‘F1 Augusta’ đang tăng lên nhanh chóng.

Tại Hà Lan

Ở Hà Lan, diện tích trồng hoa loa kèn đã tăng lên gấp đôi vào năm 1985 và tăng gấp 10 lần trong vòng 12 năm (từ năm 1985 đến 1997) với diện tích trồng năm 1997 là hơn 200ha. Hiện nay, Hà Lan đã tự sản xuất được củ giống hoa loa kèn và không còn phụ thuộc vào củ giống nhập khẩu từ Nhật Bản.

Biểu đồ diện tích trồng hoa loa kèn ở Hà Lan từ năm 1900-2005

Biểu đồ trên cho thấy xu hướng phát triển diện tích trồng củ hoa ly của mỗi nhóm giống từ năm 1990 đến năm 2005. Qua đó ta có thể thấy, diện tích trồng giống hoa loa kèn tăng từ 80ha (năm 1990) lên 245ha (năm 2000). Tuy nhiên diện tích này đã giảm xuống còn 186ha (năm 2005) tương đương với diện tích trồng của giống năm 1995 (184ha). Diện tích trồng các giống hoa ly thơm (Oriental Lily) tăng đều qua các năm; trong khi diện tích trồng giống hoa ly không thơm (Asiatic Lily) có xu hướng giảm.

Số lượng giống nhóm hoa loa kèn được trồng ở Hà Lan năm 1990 là 11 giống và tăng lên 14 giống năm 2000 và giảm còn 12 giống năm 2005. Diện tích trồng giống hoa loa kèn ‘Snow Queen’ năm 1996 là 125ha. Trong số 15 giống được trồng nhiều nhất ở Hà Lan năm 2006, nhóm hoa loa kèn chỉ có một giống là ‘White Heaven’ xếp ở vị trí thứ 7 với diện tích 76ha. Đến năm 2010, diện tích sản xuất củ giống hoa loa kèn giảm, chỉ còn 46ha.

Giống hoa loa kèn 'Snow Queen' và 'White Heaven'

Năm 2009, Hà Lan bán ra hơn 50 triệu cành hoa ly, trong đó hoa loa kèn là 54 triệu cành, đạt doanh thu hơn 18,5 triệu Euro.

Tại Ý

Ở Ý, hoa ly là một trong số những loại hoa cắt quan trọng có giá trị kinh tế với diện tích trồng là 280-300ha, tổng giá trị sản xuất là 71 triệu đô la. Tất cả các củ giống, ước tính khoảng 152 triệu củ sử dụng cho hoa cắt cành được nhập khẩu chủ yếu từ Hà Lan. Khoảng 70% trong số đó là L. elegans, 20% là giống hoa ly lai thơm (Oriental Lily), 10% là hoa loa kèn.

Bài và ảnh: Thanh Tuyền

(Sưu tầm và dịch nguồn từ nước ngoài)