1. Nguồn gốc của cây hoa loa kèn

Hoa loa kèn (tên khoa học là Lilium longiflorum) có nguồn gốc ở một số đảo như Okinawa, Amami và Erabu thuộc quần đảo Ryukyu phía Nam Nhật Bản vĩ tuyến 27 (cùng vĩ độ với Cairo, Ai Cập) có khí hậu nhiệt đới và một số đảo vệ tinh của lục địa Đài Loan.

Tên khoa học ‘longiflorum’ được đặt bởi nhà phân loại thực vật học người Thụy Sĩ, Carl Peter Thunberg vào năm 1974. Sau đó loài này đã được du nhập vào Hà Lan bởi một bác sỹ y khoa người Đức là Philipp Franz von Siebold, cũng là tác giả chính của bản ghi đầu tiên về việc xuất khẩu củ giống L. longiflorum từ Nhật Bản “Flora Japonica’.

Sau khi du nhập vào Hà Lan, loài này đã trở nên khá phổ biến ở các nước Châu Âu. Vào nửa sau của thế kỷ 19, L. longiflorum đã được du nhập vào hòn đảo của Bermuda ở Đại Tây Dương và được trồng với số lượng rất lớn cho đến khi nó bị chấm dứt bởi dịch bệnh virus. Khi Mỹ xảy ra chiến tranh thế giới thứ  nhất, một người lính tên là Louis Houghton đã mang những củ giống loa kèn tới bờ biển phía Nam của tiểu bang Oregon, Mỹ. Kết quả đến năm 1945, L. longiflorum đã được trồng dọc bờ biển Thái Bình Dương, từ Vancouver, Canada đến Long Beach, California.

Cánh đồng hoa loa kèn ở California (Mỹ)

Trong hệ thống phân loại thực vật, cây hoa loa kèn được xếp vào nhóm 1 lá mầm (Monocotylendoness), phân lớp hành (Liliidae), bộ hành (Liliales), họ hành (Liliaceae), chi Lilium.

Trên thế giới, hoa lily là tên gọi chung cho cả hoa lily và hoa loa kèn. Tuy nhiên ở Việt Nam phân làm 2 loại: hoa lily (hoa ly) và hoa loa kèn. Hoa lily có màu sắc rực rỡ như hồng, vàng, tím hồng…có hương thơm hoặc không. Trái lại, hoa loa kèn chỉ có màu trắng, hình loa kèn (nên còn được gọi là hoa loa kèn), hương thơm dịu. Hiện tại, ở nước ta đang trồng phổ biến 2 loại hoa loa kèn là hoa loa kèn ngang và hoa loa kèn Tứ Quý (hay còn gọi là hoa loa kèn chịu nhiệt, Raizan).

Hoa loa kèn ngang (trái) và hoa loa kèn Tứ Quý (phải)

Hoa loa kèn ngang (còn gọi là kèn ta hay hoa huệ tây) có nguồn gốc nhập nội từ Pháp, khoảng năm 1945. Sau đó được trồng nhiều ở Nam Định, Hải Phòng và hiện tại là ở Hà Nội (vùng Tây Tựu). Loa kèn ngang có tên khoa học là L.longiflorum Thunb, được trồng chủ yếu để thu hoa vào tháng 4 nên nổi tiếng với tên gọi là “hoa loa kèn tháng 4” . Tuy nhiên hiện nay, diện tích cũng như sản lượng hoa loa kèn ngang đang có xu hướng giảm mà thay thế vào đó là giống hoa loa kèn Tứ Quý. Hoa loa kèn Tứ Quý có nguồn gốc từ Hà Lan, được Viện Nghiên cứu Rau quả nhập nội, tuyển chọn và được Bộ Nông nghiệp công nhận giống tạm thời cho sản xuất. Tên gọi “Tứ Quý” xuất phát từ đặc điểm giống này có khả năng chịu nhiệt và có thể trồng được bốn mùa trong năm.

Trồng hoa loa kèn ngang ở Việt Nam

2. Đặc điểm hình thái của cây hoa loa kèn

Loa kèn trắng là cây thảo lâu năm gồm thân địa sinh gọi là thân vảy (do lá biến đổi thành) và thân khí sinh là phần mang lá, hoa và quả.

Thân vảy còn gọi là củ: Củ loa kèn được coi là mầm dinh dưỡng lớn của cây. Nó là hình ảnh thu nhỏ của sự phát triển hình thái cây. Một củ già gồm: đế củ, vảy già, vảy mới ra, trục thân sơ cấp, thứ cấp và đỉnh sinh trưởng. Củ là sự kết hợp của nhiều đời. Vì vậy, chất lượng phát dục của nó chịu ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh, điều kiện trồng và chăm sóc. Hoa loa kèn còn có các củ con ở gần rễ thân, chu vi của củ con từ 3-6cm, số lượng củ con từ 1-5 củ/cây. Các củ con này được dùng để nhân giống cho vụ sau.

Củ mẹ và củ con mọc từ rễ thân

Thân khí sinh: Trục thân củ hoa loa kèn là do mầm dinh dưỡng co ngắn lại, vươn lên mặt đất, lá trên bắt đầu mở ra. Khi cây ra nụ thì số lá được cố định, chiều cao cây quyết định bởi số lá và chiều dài đốt, số lá chịu ảnh hưởng của chất lượng củ giống, điều kiện và thời gian xử lý lạnh củ giống. Thường thì số mầm lá đã được cố định trước khi trồng. Vì vậy, chiều cao chủ yếu quyết định bởi chiều dài đốt, trong điều kiện ánh sáng yếu, ngày dài, nhiệt độ thấp và xử lý trước khi bảo quản lâu đều có tác dụng kéo dài đốt thân. Ngược lại ánh sáng mạnh ngày ngắn, nhiệt độ cao lại ức chế đốt kéo dài.

Rễ: Là hệ rễ chùm gồm rễ thân và rễ gốc. Rễ thân còn gọi là rễ trên, do phần thân nảy dưới mặt đất sinh ra, có nhiệm cụ nâng đỡ thân, hút nước và dinh dưỡng. Rễ gốc sinh ra từ gốc thân vảy, có nhiều nhánh, sinh trưởng khoẻ, chủ yếu hút nước và dinh dưỡng.

: Loa kèn có nhiều lá mọc rải rác theo vòng rộng, hình thoi dài, khá đều đặn, phiến lá thẳng, đầu lá hơi nhọn, cuống ngắn.

Hoa: Hình loa kèn, thường hoa có màu trắng, mùi thơm dễ chịu, hoa mọc đơn lẻ hoặc cụm gồm nhiều hoa thường có 1- 6 hoa. Hoa loa kèn có 6 cánh, 6 nhị và một nhụy chia làm 3 thùy, bầu hoa hình trụ.

Hiện nay tại Hà Lan, do sự tiến bộ trong công nghệ lai tạo giống mà các nhà khoa học đã tạo ra những giống lai hoa loa kèn màu hồng thay vì chỉ có màu trắng đơn thuần như trước. Có thể kể tên một số giống hoa loa kèn màu đã được thương mại hóa trên thị trường như: Pink Star, Pink Heaven, Kunming (hoa màu hồng), Serrona, Triumphator (hoa màu hồng viền trắng)...

Giống loa kèn màu ‘Triumphator’ (trái) và ‘Pink Star’ (phải)

Quả và hạt: Quả loa kèn là loại quả nẻ, có 3 ngăn. Quả hình thuôn dài, mỗi quả có vài trăm hạt (khoảng trên 600 hạt), hạt dẹt,  rất mỏng và nhẹ (1 gam có 700-800 hạt). Trong điều kiện khô lạnh, bảo quản tốt thì hạt có thể giữ được sức nảy mầm trong vòng 3 năm.

Quả và hạt hoa loa kèn

Bài và ảnh: Thanh Tuyền