Mụn dừa được chế biến từ vỏ của trái dừa bao gồm cả phần bụi xơ dừa và sợi xơ dừa. Những thành phần này hoàn toàn tự nhiên được dùng cho nhiều mục đích từ công nghiệp, nông nghiệp. Sản phẩm hữu cơ thân thiện môi trường. Môi trường sẽ không bị tổn hại khi sử dụng mụn dừa để trồng trọt.
 


Mụn dừa

Ở cây hoa ly trồng chậu, giá thể đóng một vai trò hết sức quan trọng. Giá thể tốt là nền tảng để cây hoa ly ra rễ, sinh trưởng và phát triển tốt. Giá thể trồng hoa ly yêu cầu phải tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm và thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng (dinh dưỡng hữu cơ). Do vậy, việc sử dụng mụn dừa để phối trộn làm giá thể trồng hoa ly đã được những người trồng hoa lựa chọn. 

Mụn dừa có những ưu điểm và nhược điểm sau:

* Ưu điểm của mụn dừa:

- Tăng khả năng trao đổi ion trong đất, giúp cho đất tơi xốp, thoáng khí tạo điều kiện cho rễ cây phát triển, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng.

- Dễ thấm nước, giữ ẩm tốt, giúp cây chịu hạn vào mùa khô.

- Tăng độ phì nhiêu cho đất.

- Thích hợp để làm giá thể trồng cây trong nhà kính (nông nghiệp công nghệ cao), rau, dâu tây thủy canh, cây ăn quả, rau mầm, ươm cây giống, hoa kiểng (các loại hoa chậu, đặc biệt là hoa ly).

* Nhược điểm của mụn dừa:

- Gây ngộ độc cho cây nếu sử dụng trực tiếp mụn dừa tươi để trồng mà không qua xử lý.
Nguyên nhân: Do trong mụn dừa tươi có chứa 2 loại chất quan trọng ảnh hưởng lớn đến bộ rễ cây trồng là chất chát (gồm Tanin-tan trong môi trường nước; Lignin- chỉ hòa tan trong môi trường kiềm) và một số muối như NaCl…Chất chát Tanin và Lignin là những chất khó phân hủy, làm bịt mọi đường hút của rễ cây, dẫn đến chết cây. Do vậy khi trồng hoa ly, chúng ta nên xử lý mụn dừa để giảm chất chát trong mụn dừa tạo thành chất trồng an toàn cho cây.

Sau đây là một số cách xử lý mụn dừa đơn giản, dễ làm và hiệu quả.

Cách 1: Ngâm và xả mụn dừa với nước cho giảm bớt chất chát và chất mặn, sau đó phơi ráo nước để dùng. Có thể ngâm mụn dừa trong bể chứa, thời gian ngâm tối thiểu là 3 ngày, sau đó xả cho hết nước màu vàng sậm. Nếu không có bể chứa thì vun đống cao 1,5m-2m, phía trên đỉnh khoét hố rộng để bơm xả nước vào, rồi định kỳ xả hàng ngày cho đến khi thấy nước rỉ ra dưới đáy đống ủ trong là được.

Cách 2: Ngâm mụn dừa với nước vôi trong bể chứa (có thể rắc vôi rồi tưới nước vào) theo tỷ lệ cứ 5kg vôi pha với 200 lít nước sạch và ngâm liên tục trong thời gian từ 5 – 7 ngày, sau đó xả nước chát màu đen ra khỏi bể chứa và đưa nước sạch vào xử lý từ 2 -3 lần. Khi đó có thể đem ra sử dụng.

Bài và ảnh: Thanh Tuyền