Lay ơn được trồng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, tập trung ở một số tỉnh, thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc giang, Sơn La, Phú Yên, Đà Lạt…. Hiện nay, lay ơn là một trong những loại hoa cắt phổ biến ở nước ta với diện tích cũng như sản lượng chỉ đứng sau hoa hồng và hoa cúc.

I. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh

1. Nhiệt độ: Lay ơn ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thích hợp 15-27oC. Nhiệt độ cao, cây sinh trưởng kém chất lượng hoa thấp, tỷ lệ sâu bệnh hại cao.

2. Ánh sáng: Lay ơn là cây ưa sáng, ánh sáng yếu cây dễ bị vóng, hoa nhỏ, tỷ lệ hoa mù cao. Cường độ ánh sáng thích hợp 20.000-25.000 lux.

3. Đất: Đất thích hợp cho lay ơn là loại đất thịt nhẹ, độ pH từ 6-7. Lay ơn rất mẫn cảm với muối kim loại nặng đặc biệt là hàm lượng chì cao.    

4. Nước: Lay ơn là cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng. Thiếu nước ảnh hưởng đến phân hóa hoa, ngược lại nếu bị úng bộ rễ cây sẽ bị tổn hại, củ thối, cây vàng úa và chết. Độ ẩm đất thích hợp đối với cây lay ơn khoảng 70-75%. Nồng độ Clo trong nước tưới <600mg/l.

5 Không khí: Lay ơn khá mẫn cảm với không khí, đặc biệt là khí Flo. Ở những nơi nồng độ Flo cao, cây lay ơn bị khô đầu lá. Do vậy, khi chọn địa điểm trồng cần tránh những nơi gần khu công nghiệp, lò gạch.

II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

1. Giống hoa lay ơn

Hiện nay ngoài sản xuất đang trồng phổ biến một số giống hoa lay ơn có nguồn gốc Việt Nam như Song sắc, Đỏ tai vuông, Vàng lưỡi hổ và một số giống có nguồn gốc nhập nội từ Hà Lan như: Đỏ 09, Chinon, Đỏ cẩm, Internet, Amsterdam… Trong đó giống lay ơn Đỏ 09 là giống được tuyển chọn bởi Viện Nghiên cứu Rau quả đang rất được người trồng và người tiêu dùng ưa chuộng.

Các giống trên có thời gian sinh trưởng từ 85-95 ngày, cao cây từ 125-150cm, số lượng hoa/cây đạt 12-16 hoa.

Giống hoa lay ơn Đỏ 09 (trái) và củ giống lay ơn (phải)

2. Thời vụ trồng

- Vùng đồng bằng (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng): Trồng vụ thu đông (T8-T10) và vụ Đông xuân (T11-T1).

- Vùng núi cao (Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa, Mộc Châu): Có thể trồng thu hoa quanh năm.

3. Kỹ thuật trồng

* Làm đất: Đất làm kỹ, sạch cỏ, lên luống (rộng 1,0-1,2 m, cao 30 cm, mặt 70-80 cm, rãnh 30-40cm). Nên trồng trên chân đất đã được luân canh vụ trước với cây lúa.

* Bón lót: Lượng bón cho 1000m2 gồm: 2,5-3 tấn phân chuồng + 80-100kg vôi bột + 10 kg Supe lân. Đánh rạch ngang luống, sâu 12-15 cm, khoảng cách rạch 25-30 cm, trộn đều các loại phân bón lót xuống rạch và lấp đất.

* Chọn củ giống: Chọn củ giống có chu vi 10-12 cm đã được xử lý nảy mầm (mầm và rễ nhú đều), sạch bệnh, không sứt vẹo.

* Xử lý củ trước trồng: Sử dụng dung dịch Mancozed 2%, Daconil 75WP, nồng độ 10g/10 lít nước, ngâm trong 5-10 phút, vớt ra hong ráo trước khi trồng.

* Mật độ trồng: Hàng cách hàng: 25-30 cm, cây cách cây 10-12 cm, tương ứng mật độ từ 20.000 -21.000 củ/1000m2.

* Kỹ thuật trồng: Rạch hàng, đặt củ, lấp đất dày 5-7 cm.

4. Chăm sóc sau trồng

* Bón thúc phân:  Chia làm 4 đợt:

- Mỗi lần bón phân kết hợp xới xáo, làm cỏ, tưới nước.

- Giai đoạn cây có 2-6 lá, cần phun bổ sung một số chất kích thích sinh trưởng như: Atonik 1.8SL (nồng độ 15ml/16 lít nước), phân bón lá Seaweed-Rong biển 95% (nồng độ 10g/16 lít nước), Đầu trâu 501 (10g/10 lít nước).

* Tưới nước: Tưới nước đảm bảo độ ẩm đất thích hợp nhất 70-75%. Tránh để cây bị ngập úng. Thường sử dụng phương pháp tưới rãnh sau khi trồng và bón phân.

Ruộng trồng hoa lay ơn

* Kỹ thuật vun xới, tỉa mầm

- Sau khi trồng 7-10 ngày, mầm cây mọc lên khỏi mặt đất, tiến hành loại bỏ các chồi phụ chỉ để lại 1 chồi chính cây để phát triển khỏe mạnh. Chú ý tránh làm lay gốc cây.

- Khi cây được 2-3 lá, tiến hành lên luống lần 1, vun nhẹ một lớp đất mỏng vào cạnh gốc. Khi cây cao 40-50cm, tiến hành vun gốc đợt 2, vun cao để chống đổ cho cây và tạo điều kiện cho cây sinh củ con.

- Cắm cọc làm giàn: Tiến hành sau khi vun cây đợt 2 giúp cho cây không đổ và cành hoa không bị cong. Cắm cọc theo mép luống, cọc cắm cách nhau từ 1,5 - 2m, dùng dây căng và buộc hai bên luống hoặc dùng lưới đan sẵn có kích thước ô 10x10cm căng trên mặt luống.

III. Phòng trừ sâu bệnh chính

1. Sâu hại:

- Lay ơn thường bị một số loại sâu hại chính như: Sâu xám, sâu khoang ăn lá và bọ trĩ.

- Cách phòng trừ:

+ Sâu xám: Bắt thủ công bằng tay vào thời điểm 6-7 giờ tối. Dùng Basudin 10G nồng độ 2-3kg/1000m2 để xử lý đất trước khi trồng. Khi mật độ sâu cao cần phun trừ sâu bằng thuốc FM-tox 50 EC (nồng độ 15ml/16 lít nước), Trebon 10ND (nồng độ 10ml/16 lít nước), phun vào buổi chiều từ 16-17h hiệu quả phòng trừ sẽ cao.

+ Sâu khoang ăn lá: Sử dụng thuốc FM-tox 50EC (nồng độ 15ml/16 lít nước), Fastox 50EC (nồng độ 15-20ml/16 lít nước).

+ Bọ trĩ: Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Marshal 200SC (nồng độ 30 ml/16 lít nước), Regent 800WG (nồng độ 1,6g/16 lít nước), Pegasus 500SC (nồng độ 15ml/16 lít nước), Suprathion 40EC 10-15ml/ 16lít nước.

Lay ơn bị bọ trĩ gây hại

2. Bệnh hại:

- Lay ơn thường bị một số loại bệnh hại chính như: Bệnh trắng lá, bệnh héo vàng và đốm nâu. Nguyên nhân chủ yếu là do các loại nấm bệnh gây ra.

- Cách phòng trừ:

 + Bệnh trắng lá: Sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Topsin-M70NP (nồng độ 20g/16 lít nước), Score 250EC (nồng độ 10ml/16 lít nước), Validacin 500 (nồng độ 40-50ml/16 lít nước), Anvil 5SC (nồng độ 15ml/16 lít nước), Antracol 75WP (50 -100g/16 lít nước).

+ Bệnh héo vàng: Xử lý đất trước khi trồng bằng nấm đối kháng Trichoderma. Sử dụng Anvil 5SC (nồng độ 15ml/16 lít nước), Benlat C (nồng độ 40-50ml/16 lít nước), Aliette 800WG (nồng độ 40g/16 lít nước).

+ Bệnh đốm nâu: Sử dụng Zineb 80BTN (40-45g/16 lít nước), Score 250 EC (10ml/16 lít nước).

Nguồn: Tạp chí Việt Nam Hương sắc