Điều kiện canh tác thực tế và vị trí sản xuất (Bắc Âu so với bờ biển phía tây Hoa Kỳ, hay Florida, Trung Quốc và Nhật Bản) được cho là ​​có ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sau thu hoạch.

Nghiên cứu được trình bày dưới đây là của TS. Bill Miller – Đại học Cornell, Mỹ. Kết quả nghiên cứu này là một phần trong Chương trình Nghiên cứu củ giống hoa của Đại học Cornell nhưng cũng đúc kết nhiều từ kinh nghiệm thực tiễn của ngành công nghiệp sản xuất hoa ly đã được xác lập qua nhiều năm.

Theo TS. Bill Miller, các vấn đề chính liên quan đến chất lượng hoa ly sau thu hoạch, gồm 3 vấn đề:

- Sự vàng lá thân

- Nụ hoa bị thui, không nở

- Nụ non bung nở kém, hoa bị dị dạng

Ngoài ra còn một vấn đề liên quan đến chất lượng hoa ly trong quá trình bảo quản đó là hiện tượng nụ hoa bị hoại tử (có các vết sọc nâu dọc theo nụ).

Như vậy có thể thấy, mặc dù có khá ít vấn đề liên quan đến hoa ly sau thu hoạch nhưng những vấn đề này dường như khá nghiêm trọng và làm giảm một cách đáng kể chất lượng cành hoa cũng như gây ra những tổn thất kinh tế.

Sự khác biệt về giống cây trồng, điều kiện canh tác (những yếu tố trước thu hoạch) và xử lý sau thu hoạch là những tác nhân chính gây ra các vấn đề trên.

1. Hiện tượng vàng lá trên thân (Leaf Yellowing, Chlorosis)

- Nguyên nhân:

+ Sự khác biệt về giống

+ Bảo quản lạnh làm tăng mức độ vàng lá, thời gian bảo quản càng dài, tình trạng bị vàng lá thân càng tăng.

+ Nhiệt độ bảo quản (phụ thuộc rất nhiều vào giống).

+ Chế độ dinh dưỡng trước thu hoạch: Hàm lượng nitơ thấp làm tăng mức độ vàng lá thân.

Hình 1: Giống lai Oriental bị vàng lá thân

- Cách khắc phục: Sử dụng chế phẩm có chứa GA4 + 7.

Theo các nghiên cứu trước đó, GA4+7 có tác dụng làm hạn chế hiện tượng vàng lá trong quá trình bảo quản lạnh, giúp duy trì bộ lá xanh trên cây trong suốt giai đoạn tiêu thụ, đặc biệt là đối với một số giống ly cắt cành đã được bảo quản lạnh trước khi bán đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra GA4+7 còn làm tăng đáng kể độ bền của hoa.

TS. Bill Miller đã tiến hành thí nghiệm chứng minh ảnh hưởng của GA4+7 đến hiện tượng vàng lá thân ở hoa ly cắt cành sau thu hoạch. Khi những nụ hoa bắt đầu phình to, những chậu hoa được phun chế phẩm Fascination có chứa 100ppm GA4+7 lên toàn bộ cây (thân, lá và nụ hoa). Sau đó những chậu này được để khô và đưa vào bảo quản kho lạnh ngay trong ngày hôm đó. Năm thứ 1 tất cả các cây được bảo quản lạnh ở 4oC trong 2 tuần. Năm thứ 2, các cây được bảo quản lạnh hoặc không để làm đối chứng nhằm thấy rõ ảnh hưởng của việc bảo quản lạnh (Bảng 1).

Ghi chú: Expt.1: Thí nghiệm 1; Expt.2: Thí nghiệm 2; Cultivar: Giống; Cold storage: Bảo quản lạnh; No cold storage: Không bảo quản lạnh; No GA: không xử lý GA; 100 ppm GA: Xử lý GA ở nồng độ 100 ppm

Kết quả thí nghiệm ở bảng 1 cho thấy cùng trong điều kiện bảo quản nhưng các giống hoa ly khác nhau thì có mức độ bị vàng lá thân không giống nhau và việc phun chế phẩm GA4+7 ở nồng độ 100ppm trước khi đưa vào bảo quản lạnh đã làm giảm một cách rõ rệt tỷ lệ vàng lá thân ở các giống lai hoa ly (Oriental) so với việc không sử dụng chế phẩm này. Ví dụ, đối với giống Star Gazer: Tỷ lệ vàng lá khi không sử dụng GA4+7 là 54% (ở thí nghiệm 1) và 64% (ở thí nghiệm 2). Tuy nhiên, khi phun GA4+7, tỷ lệ vàng lá đã giảm đáng kể xuống còn 4% và 10% tương ứng.

Một thí nghiệm khác về tác dụng kéo dài độ bền hoa của GA4+7 cũng đã được tiến hành trên giống lai LA, ‘Algarve’. Sau khi cắt cành, giống ly này đã được xử lý với chế phẩm Chrysal BVB theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất trong 12h ở nhiệt độ 4oC, trong điều kiện tối (Bảng 2). Kết quả thí nghiệm đã cho thấy việc sử dụng BVB đã làm tăng độ bền của mỗi bông hoa, từ 5,6 ngày lên 7,2 ngày (tăng 28%).

Ghi chú: Pretreatment: Tiền xử lý; Vase solution: Dung dịch cắm bình; Flower life span: Độ bền hoa

BVB có hai thành phần là gibberellin và benzyladenine. Các thành phần hoạt chất của BVB, có liên quan đến hoa ly là gibberellin4 + 7. Các thành phần khác trong BVB, 6-benzyladenine, được cho là không có tác động một cách hiệu quả lên hoa ly (ở nồng độ được sử dụng) và về cơ bản có vai trò như chất xúc tác thêm. Vì vậy, các sản phẩm chứa gibberellin4+7 như Fascination (Valent) và Fresco (FineAmericas), mặc dù không có khuyến cáo sử dụng với mục đích làm tăng độ bền của hoa ly tuy nhiên thực tế lại chứng minh chúng có tác dụng trên khi được sử dụng theo cách tương tự như đối với BVB.

Tóm lại, theo TS. Bill Miller, việc sử dụng GA4 + 7 là một bước hoàn toàn cần thiết để cải thiện chất lượng hoa ly cắt cành sau thu hoạch.

2. Hiện tượng nụ non bị thui, không nở (Flower Bud Blast)

Một số nụ, đặc biệt là những nụ nhỏ nhất, sẽ không nở được khi cắm bình (Hình 2). Vấn đề này gặp khá phổ biến trên các giống lai Asiatic và LA hơn là giống lai Oriental hoặc OT. Trong một số trường hợp, nụ không thui hoàn toàn mà vẫn nở nhưng bung nở rất kém và ở giai đoạn sớm hơn nhiều so với bình thường (Hình 3). Một triệu chứng phổ biến khác của tổn thương Ethylene ở hoa ly (cắt cành và trồng chậu) là “nhị hoa” (phấn hoa nhô ra khỏi nụ không nở) (Hình 4).

Hình 2: Tổn thương Ethylene ở nụ non trên giống ly lai LA. 

Hình 3: Nụ non nở sớm (chín ép) do tiếp xúc với Ethylenne. 

Hình 4: Nụ hoa không nở, bao phấn nhô ra ngoài cánh hoa. Đây là một hiện tượng bị tổn thương do Ethylene gặp khá phổ biến trên giống lai LA. Về cơ bản, Ethylene làm giảm sự phát triển của cánh hoa hơn là sự phát triển của bao phấn và chỉ nhị.

- Nguyên nhân nụ non không nở hoặc nở sớm:

+ Điều kiện trước thu hoạch (nhiệt độ ấm hơn và điều kiện ánh sáng thấp hơn)

+ Khác biệt về giống

+ Tiếp xúc trực tiếp với Ethylene trước hoặc trong quá trình vận chuyển

+ Bảo quản trong kho lạnh lâu hơn sau thu hoạch

Nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của Ethylene trên hoa ly cho thấy các nụ non rất nhạy cảm với Ethylene (với các triệu chứng như mô tả ở trên), trong khi các nụ to hơn và hoa ít phản ứng với Ethylene.

- Cách khắc phục: Sử dụng các chất ức chế Ethylene như 1-MCP (EthylBloc hoặc Ethylene Buster) để duy trì khả năng tồn tại của nụ non hơn trên thân cây được bảo quản trong thời gian dài hơn.

1-MCP thường ít có tác động lên nụ to hoặc những nụ hoa sắp nở nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ (ví dụ, giống Trebbiano). Trong hình 7, khi cho cây hoa ly 'Trebbiano' tiếp xúc với Ethylene trong thời gian 3 ngày, ở nồng độ 2,5 ppm, thì thấy các nụ non nhanh chóng bị thui hoặc rụng từ sớm, trong khi cây được xử lý trước bằng 1-MCP có hoa nở bình thường và tươi lâu hơn (Hình 7).

Hình 7. Tổn thương do Ethylene và ngăn ngừa bằng 1-MCP. Trái: Trebbiano, được xử lý với 2,5 ppm Ethylene trong 3 ngày khi nụ bắt đầu phình to. Phải: Trebbiano được xử lý bằng khí 1-MCP qua đêm trước khi xử lý Ethylene. 

3. Hiện tượng nụ hoa bị hoại tử (Bud Necrosis)

Đây là một rối loạn được ghi nhận xảy ra trong quá trình bảo quản lạnh hoa ly, đặc biệt là thường gặp phải trên các giống lai Oriental. Trên nụ hoa ly sẽ xuất hiện các vết sọc màu nâu dọc theo cánh hoa, từ đó làm giảm nghiêm trọng đến chất lượng hoa ly thương phẩm.

- Nguyên nhân: Do bảo quản lạnh hoa ly ở nhiệt độ quá thấp hoặc bảo quản lạnh hoa ly ở nhiệt độ thấp hơn ngay sau khi thu hoạch hoa ly trong nhà lưới có nhiệt độ cao.

Theo TS. Bill Miller, bảo quản lạnh sau thu hoạch hoa ly cắt cành vẫn là một lĩnh vực mà ở đó cần phải có thêm nhiều kiến thức và nghiên cứu được thực hiện hơn nữa nhằm tìm ra thời gian và nhiệt độ bảo quản lạnh thích hợp để hạn chế tối đa việc giảm chất lượng hoa ly trong quá trình bảo quản.

Thí nghiệm được tiến hành trên giống hoa ly lai Oriental, ‘Sorbonne’. Giống được bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ 1oC, 4oC và 7oC trong 10 ngày. Kết quả thí nghiệm cho thấy, mức độ hoại tử trên nụ hoa khi bảo quản ở 1oC là nhiều nhất, ở 4oC bị ít hơn và không thấy xuất hiện ở 7oC.

Hình 8a. Nụ hoa bị hoại tử, bị gây ra và xuất hiện trong suốt quá trình bảo quản lạnh sau thu hoạch. Cành hoa 'Sorbonne' được bảo quản ở 1oC trong 10 ngày.

Hình 8b. Nụ hoa bị hoại tử ít hơn nhiều ở nhiệt độ bảo quản cao hơn. Các cành hoa 'Sorbonne' từ cùng một thí nghiệm, được bảo quản 10 ngày ở 4oC. 

Hình 8c. Nụ hoa không bị hoại tử khi được bảo quản ở 7oC. 'Sorbonne', bảo quản 10 ngày. 

Thí nghiệm trên cũng chỉ ra rằng các nụ to hơn (sắp nở) ít bị hoại tử hơn so với các nụ nhỏ.

Nụ hoa bị hoại tử là một vấn đề có liên quan đến từng giống cụ thể và nó dường như cũng có mối quan hệ với việc bảo quản ngay hoa ly cắt cành trong kho lạnh có nhiệt độ thấp hơn ngay sau khi thu hoạch hoa ly trong nhà kính có nhiệt độ cao.

- Cách khắc phục: Khá phức tạp vì đối với mỗi nhóm giống hoa ly khác nhau cần tìm ra nhiệt độ bảo quản lạnh thích hợp. Thông thường nhóm giống lai Oriental cần nhiệt độ bảo quản lạnh cao hơn so với nhóm giống lai Asiatic và LA.

Cần xử lý “tiền lạnh” cành hoa ly ngay sau khi thu hoạch rồi mới đem bảo quản trong kho lạnh, tránh hiện tượng sốc nhiệt gây ra hoại tử trên nụ hoa.

TS. Bill Miller cũng đã tiến hành thí nghiệm trước đó trên giống hoa ly ‘Mona Lisa’ và chỉ ra rằng: Việc “làm mát” cành hoa ở nhiệt độ 7-9oC trong 24-48 giờ trước khi đưa vào bảo quản kho lạnh ở 4oC là có lợi và làm giảm đáng kể mức độ hoại tử trên nụ so với cây ngay lập tức được đưa vào bảo quản ở nhiệt độ lạnh hơn.

Nguồn: Tạp chí Việt Nam Hương sắc