Thiếu sắt là một trong những hiện tượng cũng ít gặp ở cây hoa ly, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cành hoa, đặc biệt là vấn đề về thẩm mỹ, làm giảm giá trị của cành hoa. Để khắc phục hiện tượng thiếu sắt ở cây hoa ly cần nhận biết chính xác triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh sinh lý này.

Triệu chứng:
Khi thiếu sắt, phần thịt lá nằm giữa gân của lá non (thường là những lá ở phần ngọn cây) sẽ chuyển màu xanh vàng. Hiện tượng này đặc biệt thường xảy ra ở những cây trồng phát triển nhanh. Càng thiếu nhiều sắt thì lá của cây càng ngả vàng. Tuy nhiên, gân lá vẫn giữ được màu xanh bình thường của nó. Nói tóm lại, cây thiếu sắt thì thịt lá chuyển vàng còn gân lá vẫn có màu xanh bình thường.


Phần thịt lá màu vàng trong khi gân lá vẫn xanh bình thường

Nguyên nhân:
Do cây bị thiếu sắt. Rối loạn này thường xảy ra ở đất có độ pH cao (kiềm), ở những địa điểm dễ bị ngập úng và khi nhiệt độ đất quá thấp. Càng thiếu sắt nhiều thì phần thịt lá càng chuyển màu vàng hơn. Tuy nhiên, hiện tượng hơi ngả màu vàng trong quá trình canh tác thường biến mất khi thời kỳ thu hoạch đến gần. Các nhóm và giống cây hoa ly dễ bị thiếu sắt thường là giống lai Oriental và Longiflorum, điển hình là giống lai Oriental “Lake Carey”.


Hiện tượng cây bị thiếu sắt trên giống lai Oriental 'Lake Carey'


Khắc phục:
1- Đảm bảo đất thoát nước tốt và độ pH của đất đủ thấp. Rễ cây ra đều, tốt cũng làm giảm đáng kể nguy cơ thiếu sắt.

2- Cung cấp cho bộ rễ và phần ngọn cây các điều kiện phát triển tối ưu.

3- Khi độ pH của đất > 6.5, cần bón sắt chelate cho đất. Nhu cầu sử dụng chất này tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm với bệnh này của cây trồng. Nếu cần thiết, nên bón trước khi trồng. Việc bón sắt các lần tiếp theo tùy thuộc vào màu sắc của cây. (Nếu vẫn cần phải cải thiện màu sắc của cây, có thể bón thêm lần thứ hai vào khoảng hai tuần sau đó). 

4- Khi những cây dễ bị thiếu sắt được trồng trong đất có độ pH = 5.5- 6.5, có thể bón sắt chelate nhưng chỉ sau khi đã trồng: có thể bón một lần và sau đó tùy thuộc vào màu sắc của cây mà bón thêm lần thứ hai. Loại sắt chelate được sử dụng tùy thuộc vào độ pH của đất và thời điểm trong năm. Ví dụ:
     + Fe EDDHA 6% có thể được sử dụng trong đất với độ pH cao tới 12 (tất cả các loại đất) và có thể bón một vài tuần trước khi ra hoa.
     + Fe-DTPA: Sử dụng trên đất có độ pH ≤ 7 và có thể bón cho tới lúc đã nhìn rõ nụ hoa. Bón quá nhiều Fe-DTPA có thể làm xuất hiện các đốm đen trên lá. 


Khi cây bị thiếu sắt (tập trung ở phần lá ngọn) thì nên phun bổ sung sắt chelate

5- Lưu ý khi bổ sung sắt cho cây hoa ly:

     - Bón từ 2-3 gram/m2 trước khi trồng (trộn đều vào trong đất). Sau khi trồng, bón thêm không quá 2 gram. Lần bón sắt thứ hai sau khi trồng cây không được vượt quá 1-1,5 gram/m2.

     - Nếu trước khi trồng cây chưa bón sắt, khi thấy cây có dấu hiệu ngả vàng, thì hãy bón 2-3 gram/m2. Nếu đã ngả vàng ở mức độ nặng, có thể bón 5 gram/m2 mỗi lần. 

     - Không nên bón sắt chalete quá muộn trong quy trình canh tác vì có thể để lại những đốm nâu đỏ trên hoa.

     - Sắt chelate có thể bón bằng vòi phun nước hoặc trộn với cát khô và rắc dưới lá. Để ngăn chặn hiện tượng cháy lá, nên bón sắt chelate khi cây trồng vẫn còn ướt và vào ngày trời nhiều mây hay lúc sắp tối. Sau đó cây trồng cần được phun rửa cẩn thận cho đến khi chất này được rửa sạch hoàn toàn khỏi lá cây.

     - Khi bón sắt chelate cho các cây trồng mới, cần phải thử nghiệm trên một vài cây trước.

    - Khi bón sắt chelate bằng hệ thống vòi phun, thùng đựng nước pha sắt chelate cần phải được đậy kín để tránh hiện tượng phân hủy khi có ánh sáng mặt trời. 
 

Bài và ảnh: Thanh Tuyền