Dịch Covid - 19 khiến người dân trồng hoa tại Tây Tựu điêu đứng bởi hoa đến vụ thu hoạch không thể cắt bán

Làng hoa Tây Tựu được biết đến là một trong những nơi trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh thành miền Bắc.

Nghề trồng hoa cũng là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân tại Tây Tựu, nhưng thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến người làm nghề trồng hoa tại đây “điêu đứng”, rơi vào tình trạng chung khó khăn vô cùng khi phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi không thể bán được hàng.

Làng hoa Tây Tựu được biết đến là một trong những nơi trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh thành miền Bắc.

Nghề trồng hoa cũng là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân tại Tây Tựu, nhưng thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến người làm nghề trồng hoa tại đây “điêu đứng”, rơi vào tình trạng chung khó khăn vô cùng khi phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi không thể bán được hàng.

Hoa tại làng Tây Tựu đang vào thời điểm nở rộ

Ghi nhận của phóng viên tại vườn hoa Tây Tựu, thời gian này đang là lúc các loại hoa tại đây vào vụ, bắt đầu vào thời điểm thu hoạch, nhưng dịch bệnh khiến đầu ra của hoa hầu như bị chặn đứng. Không chỉ riêng một loại hoa nào bị ảnh hưởng mà toàn bộ các giống hoa như: hoa cúc, hoa ly, hoa hồng, hoa loa kèn, thược dược… đều mắc phải tình trạng chung đến độ hoa bung nở, tới ngày cắt bán nhưng vẫn phải “nằm trên ruộng”. Giá hoa đã rớt tối thiểu 50% nhưng vẫn không thể bán được.

Cùng kỳ năm trước loài hoa loa kèn đang vào thời điểm "hốt bạc' của dân trồng hoa và rong ruổi khắp phố phường Hà Nội nhưng năm nay, hàng chục ha hoa loa kèn phải nằm chôn chân tại ruộng.


Hoa hồng cũng đang vào giai đoạn bung nở rộ

Lý giải nguyên nhân hoa bị mất giá và không có đầu ra, ông Trần Quang Khải, một chủ vườn hoa tại Tây Tựu cho biết: “Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhu cầu sử dụng hoa tươi giảm hẳn, nhiều gia đình cắt hẳn khoản mua hoa vì có nhiều khoản lo khác và người dân hạn chế ra ngoài đường, giảm một số khoản chi tiêu nên lượng hoa rơi vào tình trạng “ế” không bán được”.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thị trường tiêu thụ hoa ở đây gần như đóng băng là do không có người đi lại và mua hoa sau lệnh cách ly.


Người làm nghề trồng hoa thua lỗ rất nhiều vì giá bán hoa không thu đủ tiền giống, chưa tính đến chi phí phân bón, nhân công, điện thắp sáng,..

“Hoa rớt giá khiến tất cả người làm nghề trồng hoa điêu đứng chứ không riêng một nhà nào. Tất cả đều thua lỗ rất nhiều vì giá bán hoa không thu đủ tiền giống chứ chưa tính đến chi phí phân bón, nhân công, điện thắp sáng,…” - ông Khải cho biết thêm.

Cũng theo các chủ vườn, thiệt hại nặng nề nhất giai đoạn này chính là người trồng hoa ly, bởi giá giống hoa cao, mất nhiều chi phí chăm sóc và hoa nở trong thời gian rất ngắn, không có người mua chỉ còn cách cắt bỏ tại ruộng bởi hoa đã vào mùa, nở bung không thể bán được cho ai.

Theo tính toán của các chủ vườn hoa, với giá hoa ly bán như hiện nay hoàn toàn không thể hòa vốn chứ chưa mong đến chuyện có lãi, bởi chi phí mua giống hoa ly về đã ngang bằng với giá bán của hoa, chưa kể trồng hoa ly phải gánh thêm rất nhiều chi phí khác, tiền thuê nhân công làm vườn cũng đã dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày.


Hoa chỉ có thể bán được vào những ngày Rằm bởi ngày thường chẳng thể bán cho ai.

Ngồi bó từng bó hoa ly để kịp giao cho khách đến lấy chuẩn bị bán ngày rằm, bà Phan Thị Hạnh buồn bã tâm sự: “Không có dịch thì hoa ly sẽ đắt hàng nhưng đợt này dịch nên chợ đóng cửa, người dân không ra ngoài, người làm nghề trồng hoa chúng tôi năm nay đáng ra đang thắng lại thành bại bởi dịch bùng phát bất ngờ. Hiện tại, những ngày thường không thể bán được hoa, chỉ có ngày rằm mới bán được một ít. Hơn nữa, giá hoa đã bị giảm đến 50%, nếu bình thường vào vụ hoa sẽ bán được trung bình 180.000 – 200.000 đồng/bó/10 cành nhưng nay rớt giá chỉ còn chưa tới 100.000 đồng”.


 Hoa ly bị rớt giá một nửa so với bình thường, hoa ly đỏ chỉ còn 100.000 đồng/bó/10 cành, loại ly cam, ly lùn chỉ còn 60.000 - 70.000 đồng/bó/10 cành

Cũng theo các chủ vườn, hiện không thể mang hoa đi đâu bán mà chỉ có thể chờ ai mua điện mang đến hoặc những thương lái ở các tỉnh thành khác, những vùng chưa có dịch đến đặt mang đi. Có rất nhiều chủ vườn phải chấp nhận mất trắng bởi nhiều loại hoa đã nở bung tại ruộng, không thể cắt bán được nữa.


Hàng loạt ruộng hoa ly bị phá bỏ bởi hoa đã nở mà không có khách mua.

Cùng cảnh ngộ “hoa cười người khóc”, gia đình bà Hiền (Tây Tựu – Hà Nội) cũng đang phải đổ bỏ một vườn cúc hoa trắng nở bung không có thương lái mua. Bà Hiền chia sẻ: “Đợt dịch này khiến nhà tôi thiệt hại ước tính 15 – 20 triệu đồng/ha trồng hoa. Bây giờ chỉ mong có thể bán được ít nào hay ít đó để thu hồi vốn chứ chẳng mong lãi gì nữa. Những nhà nào có kho lạnh thì có thể cắt bỏ một số lượng nhất định để ướp lạnh, nhưng như thế hoa sẽ mất giá mà chi phí bảo quản hoa cũng mất nhiều”.


Vườn cúc trắng phải tự tay phá bỏ của gia đình bà Hiền.

Đầu ra cho thị trường hoa không có, người dân chỉ biết “khóc ròng” mong chờ dịch Covid -19 sớm qua đi chứ không thể tìm ra được hướng đi nào tốt trong lúc này, bởi “người dân Tây Tựu hiểu dịch ảnh hưởng tới người dân trên toàn đất nước và cũng là khó khăn chung không thể tránh khỏi” - bà Hạnh tâm sự./.