Chào mừng các bạn đến với trang web của chúng tôi!
Các bạn đã đọc bài viết “Củ giống hoa ly” chưa? Nếu chưa, các bạn hãy đọc trước khi đọc bài viết này để có thể hiểu rõ hơn nhé!
Như tôi đã đề cập trong bài viết về “Củ giống hoa ly”, hiện nay có 5 nhóm lai quan trọng trong sản xuất hoa cắt và trồng chậu trên thế giới cũng như ở Việt Nam đó là:

+ Nhóm lai châu Á (tên tiếng Anh: Asiatic, kí hiệu là A).
+ Nhóm lai loa kèn châu Á (tên tiếng Anh: LA hybrids, kí hiệu là LA)
+ Nhóm lai phương Đông (tên tiếng Anh: Oriental, kí hiệu là O).
+ Nhóm lai phương Đông-loa kèn (tên tiếng Anh: Oriental Trumpet (Trompet) hybrids, kí hiệu là OT).
+ Nhóm lai loa kèn (tên tiếng Anh: Longiflorum hybrids, kí hiệu là L).
Vậy mỗi nhóm lai này có những đặc trưng như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Nhóm lai châu Á (Asiatic) và nhóm lai loa kèn châu Á (LA hybrids). Ở Việt Nam, người ta thường gọi chung là Nhóm ly không thơm. Hai nhóm này có đặc trưng gần giống nhau, cụ thể:
- Ưu điểm:
+ Thời gian sinh trưởng ngắn (65-70 ngày, nếu trồng vào vụ tết ở miền Bắc, nếu là ở miền Trung hoặc miền Nam thì thời gian sinh trưởng còn ngắn hơn 15-20 ngày tùy điều kiện vùng trồng).
+ Hoa có màu sắc phong phú: Đỏ, vàng chanh, da cam, hồng, trắng…Hoa mọc “hướng lên trên” (mọc đứng hoặc hơi chếch so với thân) nên thuận tiện trong quá trình bao gói và vận chuyển.
+ Hoa gần như không có mùi thơm nên 2 nhóm này còn được gọi chung là nhóm ly không thơm.
+ Số nụ hoa/cây rất nhiều (thường > 6 nụ/cây)
+ Cây sinh trưởng rất khỏe, số lá/trên nhiều (>70 lá/cây), các lá mọc sít nhau, mọc vòng hoặc đối. Lá dài, nhỏ và thuôn nhọn. Thân cứng, thích hợp với làm hoa cắt cành và trồng chậu.
+ Các giống thuộc nhóm này có khả năng chịu nhiệt nên có thể trồng ở những vùng có nền nhiệt độ cao hơn vào vụ tết (như miền Trung, một số nơi thuộc miền Nam) và trồng được nhiều vụ hơn trong năm (ví dụ đối với vùng đồng bằng sông Hồng thời vụ trồng có thể bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 4 năm sau).
+ Không bị bệnh cháy lá sinh lý.
+ Giá thành củ giống thấp hơn so với các nhóm giống còn lại. Do đó cần vốn đầu tư ít mà giá thành cành hoa/chậu hoa thương phẩm khi bán ra ngoài thị trường ở mức vừa phải với đa số “túi tiền” của người tiêu dùng.

 

                            Giống Brunello thuộc nhóm Asiatic                        Giống Pavia thuộc nhóm LA


- Nhược điểm:
+ Hoa không có mùi thơm trong khi thị hiếu của đa số người tiêu dùng là thích những giống hoa ly có mùi thơm.
+ Hoa khi nở khá nhỏ (đường kính hoa nhỏ, trung bình đạt 13-15cm, cá biệt có một số giống đường kính hoa có thể đạt 17cm). Ở một số giống, kiểu hình cây thường không đẹp do hoa thường mọc chụm ở trên ngọn.
+ Nhóm này rất mẫn cảm với điều kiện chiếu sáng. Nếu trồng vào những thời vụ hoặc những nơi thiếu ánh sáng thì có thể dẫn đến hiện tượng “rụng nụ hoa”, gây ảnh hưởng đến chất lượng cành hoa thu hoạch.
+ Nhóm này cũng mẫn cảm với bệnh đốm lá, nụ hoa (do nấm Botrytis) gây ra. Do đó nếu trồng vào những thời vụ, những vùng có nhiều sương muối, độ ẩm không khí cao (vụ đông xuân, vùng núi cao) thì cây rất dễ bị bệnh này gây hại.
Một số giống thuộc hai nhóm này (các bạn tra mục Sản Phẩm/củ giống hoa ly không thơm).

2. Nhóm lai phương Đông (tên tiếng Anh: Oriental, kí hiệu là O). Ở Việt Nam người ta thường gọi chung là Nhóm ly thơm.

- Ưu điểm:
+ Hoa có màu sắc phong phú: Đỏ, hồng, vàng, trắng…Đa số các giống thuộc nhóm này có hoa mọc “hướng lên trên” nên thuận tiện cho quá trình bao gói và vận chuyển.
+ Hoa có mùi thơm nồng nàn, quyến rũ nên rất được người tiêu dùng ưa thích.
+ Chiều cao cây thích hợp với mục đích cắt cành hoặc trồng chậu. Số lá/cây ở mức vừa phải (45-60 lá/cây), lá hơi tròn bầu, mọc thưa nhau và mọc cách.
+ Hoa lúc nở khá to (đường kính hoa thường dao động từ 18-20cm, cá biệt có một số giống đường kính hoa lúc nở có thể đạt >22cm). Hoa phân cành trung bình-dài, nên tạo ra thế cây rất cân đối, đẹp mắt.
+ Thường không bị bệnh cháy đốm lá, nụ hoa (khi trồng vụ đông). Ở thời vụ khác nếu có bị bệnh thì ở mức độ bị hại nhẹ hơn so với nhóm lai Asiatic và LA.
+ Ít mẫn cảm với bệnh “rụng nụ hoa” do yêu cầu cường độ cũng như thời gian chiếu sáng ở mức trung bình, thấp hơn so với nhóm giống lai Asiatic và LA.

 

Giống hoa ly Sorbonne và Lake Carey thuộc nhóm Oriental

 
- Nhược điểm:
+ Thời gian sinh trưởng dài hơn so với nhóm lai Asiatic, dao động từ 90-95 ngày, tuy vậy cũng có một số giống có thời gian sinh trưởng khá dài (105-120 ngày, trong điều kiện trồng vụ tết ở miền Bắc) nên sẽ khó khăn trong việc bố trí mùa vụ (luân canh cây trồng), cũng như làm tăng chi phí chăm sóc cây.
+ Số nụ hoa/cây thường ít hơn so với nhóm giống lai Asiatic và LA (xét cùng kích thước củ), dao động từ 5-7 nụ hoa/cây (ở kích cỡ củ 18/20).
+ Nhóm này có nhiều giống rất mẫn cảm với bệnh “cháy lá sinh lý” hay còn gọi là “cháy ngọn” gây thiệt hại về kinh tế. Do đó khi lựa chọn giống thuộc nhóm này cần rất lưu ý đến điều này.
+ Các giống thuộc nhóm này cũng mẫn cảm với bệnh thối củ (do nấm Fusarium), bệnh thối thân (do nấm Phytophthora) làm cây sinh trưởng kém, chất lượng hoa không cao.
Một số giống thuộc hai nhóm này (các bạn tra mục Sản Phẩm/củ giống hoa ly thơm).

3. Nhóm lai phương Đông - loa kèn (tên tiếng Anh: Oriental Trumpet (Trompet) hybrids, kí hiệu là OT). Ở Việt Nam người ta thường gọi là Nhóm ly thơm chịu nhiệt.

- Ưu điểm:

+ Hoa có mùi thơm nồng nàn, quyến rũ nên rất được người tiêu dùng ưa thích.
+ Chiều cao cây thường >100cm nên thích hợp với mục đích cắt cành hơn trồng chậu. Số lá/cây ở mức vừa phải (50-70 lá/cây), lá to, thuôn nhọn ở đầu, mọc thưa và mọc cách.
+ Hoa lúc nở khá to (đường kính hoa thường dao động từ 18-20cm, cá biệt có một số giống đường kính hoa lúc nở có thể đạt >22cm). Hoa phân cành trung bình-dài, nên tạo ra thế cây rất cân đối, đẹp mắt.
+ Thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với nhóm Oriental, dao động từ 80-85 ngày, cá biệt có một số giống có thời gian sinh trưởng dài hơn (90-98 ngày) nên có thể dễ dàng bố trí mùa vụ (luân canh cây trồng).
+ Các giống thuộc nhóm này có khả năng chịu nhiệt tốt hơn so với nhóm lai Oriental. Do đó, nhóm này có thể trồng được ở những vùng có nền nhiệt độ cao hơn vào vụ tết (như miền Trung, một số nơi thuộc miền Nam) và trồng được nhiều vụ hơn trong năm (ví dụ đối với vùng đồng bằng sông Hồng thời vụ trồng có thể bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 4 năm sau).
+ Cây sinh trưởng khỏe, không bị “bệnh cháy lá”, ít bị bệnh “đốm lá, nụ hoa”.

 

Giống hoa ly Robina và Conca d'Or thuộc nhóm OT


- Nhược điểm:
+ Hoa có phổ màu hẹp hơn so với các nhóm lai Asiatic, LA và Oriental, chủ yếu là những giống có màu vàng, hồng hoặc tím hồng và đỏ.
+ Nhiều giống thuộc nhóm này có hoa “quay ngang” nên khó khăn trong quá trình bao gói và vận chuyển.
+ Số nụ hoa/cây dao động từ 2-7 nụ tùy thuộc vào giống và kích cỡ củ giống. Nếu xét cùng một kích cỡ củ giống thì đa số giống thuộc nhóm lai này có số nụ hoa/cây ít hơn so với 3 nhóm giống trên.
+ Một số giống khá mẫn cảm với bệnh “rụng nụ hoa” do yêu cầu cường độ cũng như thời gian chiếu sáng ở mức cao hơn so với nhóm giống lai Oriental và thấp hơn so với nhóm lai Asiatic, LA.
Một số giống thuộc hai nhóm này (các bạn tra mục Sản Phẩm/củ giống hoa ly thơm chịu nhiệt).

4. Nhóm lai loa kèn (tên tiếng Anh: Longiflorum hybrids, kí hiệu là L)

- Ưu điểm:

+ Hoa có mùi thơm dịu, rất được người tiêu dùng ưa thích.
+ Chiều cao cây thường >100cm nên chủ yếu sử dụng làm hoa cắt cành. Số lá/cây dao động nhiều giữa các giống (40-120 lá/cây), lá to, dài, thuôn nhọn ở đầu, mọc thưa hoặc sít và thường mọc cách.
+ Hoa lúc nở khá to (đường kính hoa thường dao động từ 12-17cm). Đa số các giống có hoa “hướng lên trên”, chỉ một số ít có hoa “quay ngang” (giống kèn ta của Việt Nam), hoa không phân cành mà mọc chụm trên ngọn với cuống hoa dài tạo nên thế cành rất đẹp khi cắm lọ.
+ Các giống thuộc nhóm này có khả năng chịu nhiệt tốt hơn so với tất cả 4 nhóm giống trên (do nhóm này có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới) nên có thể trồng nhiều vụ trong năm, thậm chí có thể trồng quanh năm ở những nơi có điều kiện canh tác tốt.
+ Cây sinh trưởng rất khỏe, hầu không bị “bệnh cháy lá”.

 

Giống hoa loa kèn Illusive và Watch Up thuộc nhóm Longiflorum


- Nhược điểm:
+ Hoa chỉ có màu trắng, hình loa kèn nên còn được gọi là hoa loa kèn.
+ Thời gian sinh trưởng dao động rất nhiều giữa các giống thuộc nhóm này (60-115 ngày khi trồng ở điều kiện Việt Nam).
+ Số nụ hoa/cây thường biến động khá nhiều giữa các giống, từ 5-7 nụ hoa/cây (ở kích cỡ củ 12/14).
+ Các giống thuộc nhóm này cũng mẫn cảm với bệnh thối củ (do nấm Fusarium), bệnh thối thân (do nấm Phytophthora), bệnh đốm lá,nụ hoa (do nấm Botrytis-khi trồng ở thời vụ có ẩm độ không khí cao, nhiều sương muối) làm cây sinh trưởng kém, chất lượng hoa không cao.
Một số giống thuộc hai nhóm này (các bạn tra mục Sản Phẩm/củ giống hoa loa kèn).

(Bài và ảnh: Thanh Tuyền)