Đặc điểm sinh lý

Cây hoa loa kèn có 5 giai đoạn sinh trưởng chính là: Phát triển trục thân, ra nụ, ra hoa, kết hạt và chết.

1- Giai đoạn phát triển trục thân: Củ giống vùi trong đất sau khoảng 60-70 ngày mới nảy mầm. Nếu củ giống được đem xử lý lạnh (phá ngủ) thì khi trồng xuống đất đến khi mầm vươn lên khỏi mặt đất chỉ cần 2 tuần lễ. Xử lý lạnh không tốt thời gian gieo trồng gặp lạnh thì có thể kéo tới 5 tuần. Từ lúc mọc mầm đến khi ra nụ khoảng 60-75 ngày tùy từng thời vụ, từ ra nụ đến ra hoa từ 25-35 ngày, từ nở hoa đến tạo quả từ 8-12 ngày.

2,3- Giai đoạn ra nụ, ra hoa: Hoa loa kèn là cây ngày dài do vậy khi thời gian chiếu sáng trong ngày tăng dần quá trình phân hóa hoa được hình thành. Củ loa kèn xử lý lạnh ở 5oC từ 3-5 tuần, sau khi trồng khoảng 8-13 ngày đỉnh sinh trưởng mầm rút ngắn, đã bắt đầu hình thành mầm hoa nguyên thủy. Mỗi mầm hoa nguyên thủy này lại kèm theo 1-2 mầm khác. Khi củ đã qua xử lý lạnh thì trước khi trồng củ có thể mọc mầm và phân hóa hoa. Vì vậy nếu không trồng kịp thời sẽ bất lợi cho phát dục mầm hoa.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Số lượng mầm hoa nguyên thủy chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện sinh trưởng vụ trước và chất lượng của củ giống nghĩa là chúng chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện trồng. Tuy nhiên tốc độ phát dục của nụ và hoa lại chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện sau khi trồng.

4- Giai đoạn kết hạt: Nhị đực và nhị cái của hoa loa kèn cùng chín một lúc. Sau khi thụ tinh 8-12 ngày, tử phòng bắt đầu phình to và quả được hình thành. Lúc này quả có màu xanh.

Ask the Plant Expert: Viable Seeds from White Crinum?Photo of the seed pods or heads of Lily (Lilium longiflorum var. longiflorum)  posted by FleudeLisCanna - Garden.org

Sau khi thụ phấn, thụ tinh được khoảng 2-3 tháng thì quả loa kèn chín. Lúc này quả khô và có màu vàng nâu. Nếu để tự nhiên quả sẽ nứt ra theo 3 khía dọc quả, từ đó hạt  loa kèn sẽ được phát tán theo gió bay đi. Những hạt này khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm và mọc thành cây mới.

5- Giai đoạn già chết: Sau khi thu hoạch hoa (hoặc quả), thân lá khô héo và chết. Lúc này có thể thu hoạch củ để làm giống.

Yêu cầu ngoại cảnh

Cây loa kèn dễ trồng, đặc biệt thích hợp với khí hậu nhiệt đới và Á nhiệt đới. Một số yếu tố ngoại cảnh có tác động tới sinh trưởng, phát triển của cây có thể kể đến như nhiệt độ, ánh sáng, nước, không khí, đất và phân bón.

1- Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp ban ngày từ 20-28oC, ban đêm 13-17oC, dưới 5oC và trên 30oC cây sinh trưởng kém, hoa dễ bị mù. Giai đoạn đầu nhiệt độ thấp (15-20oC) có lợi cho sinh trưởng của rễ và sự phân hóa hoa. Nhiệt độ thích hợp cho sự ra rễ là 16-17oC, cho sự ra hoa và sinh trưởng của nụ hoa là 21-23oC.

2- Ánh sáng: Loa kèn là cây ưa cường độ ánh sáng trung bình, khoảng 70-80% ánh sáng tự nhiên là tốt nhất, đặc biệt với cây con. Vì vậy nếu trồng vụ hè thu cần phải che bớt ánh sáng, tạo cường độ ánh sáng thích hợp từ 12.000-15.000lux nhất là thời kỳ cây cao 20-30cm. Ngược lại, mùa đông trồng trong nhà thiếu ánh sáng, nhị đực sẽ sản sinh Etylen dẫn đến nụ bị rụng nhiều. Do vậy cần bỏ bớt ni lông che phủ hoặc lưới để tăng cường độ ánh sáng tự nhiên cho cây.

Cách trồng và chăm sóc hoa loa ken cho hoa đẹp, ít sâu bệnh nhất

3- Nước: Thiếu nước hoặc nước quá nhiều đều ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát dục của cây. Thời kỳ đầu cây rất cần nước, khi ra hoa giảm bớt nước. Nhiều nước dễ làm cho củ bị thối, rụng nụ. Loa kèn ưa không khí ẩm ướt, thích hợp nhất là 70-85% và ổn định. Nếu độ ẩm biến động lớn dễ dẫn đến hiện tượng thối củ hoặc cháy lá.

4- Không khí: Loa kèn là cây khá mẫn cảm với Etylen, cây ưa không khí thoáng mát có đầy đủ oxi để hô hấp tốt.

5- Đất: Yêu cầu đất trồng loa kèn cần tơi xốp, không chứa mầm bệnh và thoát nước tốt. Loa kèn rất mẫn cảm với muối, nồng độ muối trong đất cao, cây không hút được nước ảnh hưởng tới sinh trưởng, ra hoa. Nói chung, hàm lượng muối trong đất không được cao quá 1,5mS/cm2, lượng hợp chất Clo không được vượt quá 1,5mmol/lít, pH = 6,5-7,0.

6- Phân bón: Cây loa kèn cần dinh dưỡng cao nhất là 3 tuần đầu sau khi trồng, trước đó chỉ cần tưới nước cho cây. Bón phân sớm dễ làm cây bị sót phân, thối củ do cây loa kèn sinh trưởng từ hệ củ nên giai đoạn đầu sau trồng cây lấy dinh dưỡng từ củ, chưa cần có sự bổ sung phân bón từ bên ngoài.

Yêu cầu phân của cây loa kèn không cao, khi bón phân chỉ cần bón với lượng nhỏ và bón làm nhiều lần.

Sản xuất hoa loa kèn ở Việt Nam - tiềm năng chưa được khai thác

Mặc dù cây loa kèn rất phù hợp trồng trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam nhưng tổng diện tích trồng loa kèn chỉ khoảng trên 100 ha (số liệu thống kê năm 2004). Một số nơi trồng hoa loa kèn với số lượng lớn như Đà Lạt, Nam Định, Hà Nội, Hải phòng và một số tỉnh thành khác.

Giống loa kèn chủ yếu được trồng ở thời gian này là giống loa kèn ‘ta’ hay giống loa kèn ‘ngang’. Giống hoa này rất dễ trồng, dễ chăm sóc, hoa nở đồng đều nhưng chỉ tập trung vào tháng 4, tháng 5. Vào thời điểm này giá bán hoa rất rẻ, thậm chí có nhiều nơi tiêu thụ không hết nên hiệu quả sản xuất thấp.

Trước thực trạng đó, năm 2005, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành nhập nội một số giống hoa loa kèn từ Hà Lan về. Qua quá trình khảo nghiệm tuyển chọn đến năm 2009, giống loa kèn Tứ Quý (loa kèn chịu nhiệt, Raizan) đã được công nhận là giống sản xuất thử và được trồng rộng rãi ngoài sản xuất.

So với hoa loa kèn ngang thì hoa loa kèn Tứ Quý có nhiều ưu điểm vượt trội như: có thể trồng nhiều vụ trong năm, một cây hoa có thể cho từ 3 đến 5 nụ hoa; một sào có thể cho 25.000- 27.000 nụ hoa. Với giá bán trung bình khoảng 1 nghìn đồng/nụ hoa thì một sào một vụ người trồng hoa cũng thu về từ 25 đến 27 triệu đồng, trừ chi phí người trồng hoa thu về khoảng từ 9 đến 10 triệu đồng mỗi vụ, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2 lần so với giống loa kèn ngang.

Tuy vậy, do chưa được đầu tư đúng mức mà diện tích sản xuất cũng như năng suất thu hoạch của hoa loa kèn hiện nay đang có xu hướng giảm, đặc biệt là hoa loa kèn ngang. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản luôn ở mức cao.

Chính vì vậy, để cây hoa loa kèn có thể được thương mại hóa không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài thì rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học (với nhiệm vụ nghiên cứu tạo giống mới, biện pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất, công nghệ thu hái, bảo quản…); các nhà doanh nghiệp (đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền công nghệ thu hái, bảo quản, đóng gói), các nhà quản lý (tạo cơ chế, chính sách như quy hoạch vùng sản xuất) và đặc biệt là nhà nông (với kinh nghiệm sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới).

(Bài và ảnh: Thanh Tuyền)