Chào mừng các bạn đến với trang web của chúng tôi!

Các bạn có yêu thích hoa ly không? Chắc chắn là có rồi vì vậy các bạn mới truy cập vào trang web www.hoalily.com.vn và đọc những dòng chữ này! Tận đáy lòng mình tôi thực sự cảm ơn các bạn vì sự cổ vũ quý báu đó! Và tôi sẽ không làm các bạn phải thất vọng đâu!

Bài viết này được dành riêng cho bạn, những người lần đầu tìm hiểu về hoa ly.
Ở đây, tôi sẽ đề cập đến những kiến thức cơ bản, cô đọng và dễ hiểu nhất để các bạn có thể dễ dàng hình dung và tiếp cận. Những kiến thức chuyên sâu, chi tiết hơn các bạn hãy tham khảo chuyên mục “Sách kỹ thuật”, Quy trình kỹ thuậthay Video hướng dẫn nhé!

Có thể nói trước khi bắt tay vào trồng bất kỳ một loài cây nào thì điều đầu tiên chúng ta phải biết được cây trồng đó ‘trông như thế nào’ hay nói theo chuyên môn ngành thì đó là "đặc điểm hình thái” của cây.

Cây hoa ly có đặc điểm hình thái như sau:

1. Rễ: Rễ ly gồm hai loại là rễ củ và rễ thân.

+ Rễ thân (còn gọi là rễ trên): Do phần thân mọc dưới mặt đất sinh ra, có nhiều nhánh, sinh trưởng khoẻ, có nhiệm vụ nâng đỡ thân, hút nước và dinh dưỡng. Như vậy, rễ này được sinh ra sau khi củ ly nảy mầm và hình thành thân chính. Trong quá trình trồng trọt, người ta thường căn cứ vào sự phát triển của loại rễ này để đánh giá tốc độ và khả năng sinh trưởng của cây.

+ Rễ gốc: Sinh ra từ gốc thân vảy (đế củ), chủ yếu hút nước và dinh dưỡng. Rễ này có ngay từ khi trồng củ ly. Trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, một số rễ mới sẽ được sinh ra, còn rễ củ gốc ban đầu sẽ bị già đi và chết.



 

2. Thân: Gồm hai phần thân vảy (củ) và thân chính.

+ Thân vảy (củ): Nằm dưới mặt đất, do nhiều vảy hợp thành, số lượng vảy/củ thường dao động từ hàng chục đến hàng trăm vảy. Những vảy này được dùng trong nhân giống để tạo thành những cây mới. Đó cũng là lý do vì sao hoa ly còn được gọi là hoa Bách hợp.

+ Thân chính: Gồm chủ yếu phần thân trên mặt đất mang lá và hoa, phần dưới mặt đất mang rễ thân và củ con. 

Chiều cao thân chủ yếu quyết định bởi chiều dài đốt. Trong điều kiện ánh sáng yếu, ngày dài, nhiệt độ thấp và xử lý trước khi bảo quản lâu đều có tác dụng kéo dài đốt thân. Ngược lại ánh sáng mạnh, ngày ngắn, nhiệt độ cao lại ức chế đốt kéo dài.

3. Lá: Hoa ly có nhiều hình dạng lá khác nhau như: Hình mũi mác, hình oval, hình elip, hình trứng hoặc thuôn dài hoặc tròn dài… lá không có cuống hoặc cuống ngắn tùy thuộc vào từng giống, nhóm giống.

4. Hoa: Có màu sắc đa dạng, có loại có hương thơm, loại không có hương thơm. Hoa cũng có nhiều dạng khác nhau, chủ yếu là 3 dạng chính: Hoa hướng trên, hoa quay ngang và hoa rủ xuống. Hoa ly có 6 nhị dài, một nhụy chia làm 3 thuỳ, bầu hoa hình trụ.

5. Quả và hạt: Quả ly có chiều dài từ 5-7cm, bên trong có 3 ngăn, mỗi quả có vài trăm hạt. Khi chín, quả tự nứt ra thành 3 khía dọc theo quả và phóng thích hạt ra ngoài. Hạt dẹt, xung quanh có cánh mỏng, hình bán cầu hoặc 3 góc, bên trong hạt có chứa phôi. Khi gieo sẽ nảy mầm thành cây mới.


6. Củ con: Có 2 loại là củ con mọc ở phần thân dưới mặt đất (phần rễ thân, thường gặp ở nhóm giống lai Oriental, OT và Longiflorum, chu vi củ từ 5-7cm) và củ con sinh ra từ nách lá (thường gặp ở nhóm giống lai Asiatic là LA, chu vi củ từ 1-2cm). Các củ con này khi tách ra trồng sẽ mọc thành những cây mới.


Bài và ảnh: Thanh Tuyền