Do vậy, mới dẫn đến việc người bán thì khăng khăng rằng lỗi là do người trồng không có kinh nghiệm, không có chuyên môn, không có kỹ thuật. Còn người trồng (người mua) thì lại cho rằng cây hỏng là do củ kém chất lượng.


Việc mua bán củ giống hoa ly không đơn giản chỉ là bán củ - nhận tiền

Đây là thực trạng diễn ra hàng năm trong mua và bán củ giống hoa ly hiện nay ở nước ta, một thực trạng vẫn chưa được giải quyết. Đơn giản là không bên nào chịu nhận trách nhiệm về mình. Người bán thì vẫn bán củ. Còn người mua, vì không có sự lựa chọn nào hết, họ vẫn phải mua củ về trồng mà không biết củ giống đó có đảm bảo chất lượng hay không?

Mặc dù, các nhà bán giống hiện nay đã có sự chia sẻ hơn trong việc xử lý cây
hoa ly bị hỏng khi trồng như mời chuyên gia nước ngoài về xác định tìm nguyên nhân, hoặc có công ty thì ghi rõ trong hợp đồng về việc sẽ không đền bù khi củ bị lỗi này hay lỗi kia do khách quan… nhưng nhìn chung những biện pháp trên dường như vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để tình hình mua bán củ giống một cách minh bạch trên thị trường.


Việc mời chuyên gia nước ngoài sang cũng chưa thể giúp giải quyết triệt để vấn đề

Việc mời chuyên gia của công ty củ giống nước ngoài (đã bán giống cho Việt Nam) là một nỗ lực của các nhà cung cấp Việt Nam trong việc giúp người trồng không chỉ xác định nguyên nhân cây ly bị hỏng mà còn giúp nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng trồng hoa ly cho người nông dân. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu giữa Hà Lan và Việt Nam gần như hoàn toàn khác nhau (ôn đới và nhiệt đới), điều kiện sản xuất canh tác bên Hà Lan cũng khác xa Việt Nam với cơ sở hạ tầng và trình độ công nghệ cao hơn hẳn thì việc xác định cây ly bị hỏng trong điều kiện trồng của Việt Nam đối với chuyên gia nước ngoài cũng không phải dễ dàng. Đôi khi có những trường hợp họ cũng không thể xác định chính xác ngay lúc đó được và thậm chí hầu hết các công ty nước ngoài phủ nhận việc cây ly bị hỏng lúc trồng là do củ kém chất lượng vì bên họ đã có một hệ thống giám sát chất lượng trước khi chuyển củ đến các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, để có thể giải quyết được vấn đề này thì giữa người bán và người mua cần có tiếng nói chung, nói thẳng ra là sự đồng cảm và trách nhiệm.


  Cái bắt tay giữa người bán và người mua thể hiện sự đồng cảm và trách nhiệm  

Khi sự việc xảy ra thì người trồng cần có thông tin ngay đến người bán (cách nhanh nhất là chụp ảnh và gửi cho người bán, ảnh chụp cần chính xác). Bên cạnh đó, người mua cũng cần hết sức bình tĩnh rà soát lại quá trình trồng của mình (từ đất, giá thể, xử lý củ…) xem có vấn đề chưa ổn ở khâu nào không.

Còn về phía người bán cần tiếp nhận thông tin một cách khách quan (thay vì nghĩ ngay rằng củ giống của mình là tốt 100%, chỉ có thể là do lỗi của người trồng) thì hãy cẩn trọng xem xét hình ảnh của người mua gửi để xem xét nguyên nhân. Nếu là nguyên nhân có thể xác định ngay qua ảnh chụp thì có câu trả lời cho phía người mua, còn nếu chưa chắc chắn thì nên cử kỹ thuật của công ty xuống hiện trường xem xét cùng người trồng để có hướng giải quyết.


Cần có một Tổ chức trung gian bảo vệ quyền lợi cho cả người bán và mua

Đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời còn về lâu dài thì cần có một tổ chức trung gian đứng ra giải quyết khi sự cố về củ giống xảy ra mà cả bên mua và bán đều không thể tìm được tiếng nói chung. Nó cũng tương tự như tổ chức bảo vệ người tiêu dùng (trong việc xác định hàng giả kém chất lượng hay an toàn thực phẩm…). Có như vậy quyền lợi của cả người mua và bán mới được đảm bảo.

Bài và ảnh: Thanh Tuyền