Không chỉ đa dạng về hình dáng, chủng loại..., ‘cây không khí’ còn được ưu ái vì có khả năng lọc sạch không khí, mang lại cảm giác thư giãn. Với những ai yêu thích cây cảnh nhưng không có khả năng trồng, không có đủ không gian hoặc thời gian chăm sóc thì ‘cây không khí’ chính là lựa chọn số 1.

Cây không khí giống như hình con sứa đang gây ‘sốt’ tại nước Anh

‘Cây không khí’ tên tiếng Anh thường gọi là ‘Air Plant’ thuộc chi Tillandsia, là chi lớn nhất của họ Bromeliaceae (họ Dứa) và được tìm thấy nhiều nhất ở Florida, California (Mỹ) và Trung, Nam Mỹ. Có hơn 500 loài phát triển từ rừng nhiệt đới đến môi trường sa mạc. Cây không khí là loài thực vật phụ sinh, rễ cây kém phát triển và có khả năng bám vào vật chủ. Thực tế, cây không khí đa phần sinh trưởng và phát triển ngoài môi trường đất vì bản thân cây có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ không khí và tổng hợp chúng thông qua lá.

Hoa của cây không khí rất đẹp, đa dạng về chủng loại, kích thước và màu sắc. Hầu hết các loại cây không khí ra hoa hàng năm, hoa có thể tồn tại trong vài giờ, có loại nở đẹp trong vài tuần và lâu nhất là 2 tháng thì sẽ tàn.

Cây không khí được nhân giống bằng cách tách chồi. Trong khoảng thời gian nở hoa, nhánh hoặc chồi sẽ bắt đầu phát triển tại các nách lá của thân cây. Những chồi non này có thể được tách ra bằng cách nhẹ nhàng kéo chúng ra xa khỏi cây mẹ. Sau khi được tách rời cây mẹ, cây con sẽ sinh trưởng và phát triển độc lập.

Một số loại cây không khí phù hợp với môi trường sinh trưởng tại Việt Nam như: cây không khí tóc tiên, cây không khí sao mai, cây không khí hồng hạnh, cây không khí kim yến…

Từ trái qua phải: Cây không khí sao mai, tóc tiên và hồng hạnh

 Cách chăm sóc cây không khí cũng khá đơn giản, tuy nhiên vẫn cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Chọn địa điểm trồng

Cây không khí sống được ở nhiệt độ từ -10oC đến trên 35oC, nhưng phù hợp nhất vẫn là những vùng khí hậu nóng ẩm.

Treo cây ở khu vực có ánh nắng tán xạ, độ ẩm cao, tránh ánh nắng trực tiếp vào buổi trưa và buổi chiều. Khu vực có ánh sáng trực xạ dễ làm cây bị cháy lá, ngược lại khu vực không đủ ánh sáng sẽ làm cây chậm phát triển do thiếu ánh sáng để quang hợp.

Ngoài ra, khu vực treo cây cũng cần thông thoáng tốt, nhất là sau khi tưới. Vì cây không khí hấp thu chất dinh dưỡng từ bụi trong không khí nên việc nhận được luồng không khí dù ít nhưng cũng rất quan trọng đối với cây.

2. Dụng cụ trồng cây

Cây không khí có thể trồng ở bất kỳ đâu và bằng bất kì dụng cụ nào như: cây mục, cành khô, chậu hoặc bình thủy tinh hở miệng, treo bằng dây, đặt trên lò xo bằng inox, đặt trên đá, để trong vỏ ốc có móc treo… hay đơn giản chỉ cần thả cây không khí vào một chiếc đĩa đặt trên bàn.

Cây không khí mang lại hiệu ứng trang trí tuyệt vời cho không gian hẹp

3. Tưới nước cho cây

Nhu cầu nước tưới cho cây không khí thùy thuộc vào địa điểm trồng và theo mùa. Các vùng có khí hậu khô hoặc vào mùa đông cần tưới nước cho cây nhiều hơn mùa hè.

Một điều đặc biệt lưu ý là không được tưới nước cho cây vào chiều tối hoặc ban đêm. Do vào ban đêm cây mở các lỗ khí khổng trên lá để hút khí CO2. Nếu tưới cây vào lúc này, lá cây sẽ không có thời gian để khô trước khi khí khổng mở và nước sẽ chặn khí khổng, theo thời gian khiến cây bị ngạt thở.

Cây không khí rất thích nước mưa. Tuy nhiên nếu không có nước mưa để tưới cho cây mà phải sử dụng nước máy thì bạn cần xả nước máy ra và để trong vòng 24 giờ cho khí Clo bay hết trước khi sử dụng để tưới cây.

Kỹ thuật tưới: có 3 cách tưới nước cho cây.

- Phun sương: Không thích hợp với hầu hết các loài cây không khí, ngoại trừ loài Tillandsia tectorum (đến từ vùng núi cao Andes). Tần suất tưới T. tectorum phụ thuộc vào khí hậu nơi trồng. Nếu khí hậu nơi trồng ẩm ướt, chỉ cần tưới cây ba tuần một lần là đủ. Nếu ở vùng khí hậu khô cằn, bạn sẽ cần phải phun sương cho T.tectorum của bạn mỗi tuần một lần.

Cây không khí Tillandsia tectorum chỉ thích hợp với phun sương

- Nhúng hoặc rửa cây dưới vòi nước: Chuẩn bị dụng cụ chứa nước và nhúng cây trong nước, một lần hoặc nhiều lần. Hoặc giữ cây dưới vòi nước ấm ở bồn rửa mặt, để nước chảy qua cây trong vài phút.

Nhúng, rửa hoặc ngâm cây không khí trong nước

- Ngâm cây trong nước: Đổ đầy nước ấm vào một cái bát có lòng đủ sâu để chứa toàn bộ cây. Nếu bạn có nhiều cây không khí, bạn có thể sử dụng bồn rửa hoặc thậm chí là bồn tắm. Thông thường cứ một lần một tuần, bạn hãy ngâm cây không khí trong nước khoảng một giờ. Nếu nơi bạn sống khá ẩm ướt thì chỉ cần ngâm trong vòng 20 phút là đủ, ngược lại nếu ở vùng khí hậu khô, cần ngâm cây trong vòng 4 tiếng đồng hồ.

4. Sấy khô cây

Để cây không khí sống lâu và khỏe mạnh cần để chúng khô hoàn toàn. Sau khi tưới cây, hãy để cây ở chỗ thông thoáng trong vòng 4 giờ trước khi trả chúng về vị trí cũ.

Dùng khăn giấy thấm khô hoặc phơi cây trên giá có lỗ thoát nước, tốt nhất là nên treo ngược cây lên sẽ làm nước đọng trong lá chảy hết ra ngoài.

Làm khô cây (đặt cây trên giấy thấm hoặc dụng cụ thoát nước)

5. Bón phân cho cây

Cây không khí không cần quá nhiều dinh dưỡng, việc bón quá nhiều phân có thể gây ngộ độc cho cây. Tuy nhiên việc bón phân là cần thiết để làm tăng khả năng sinh trưởng và ra hoa của cây. Do vậy, bón phân đặc biệt tốt trong và sau giai đoạn nở hoa.

Có 2 cách bón phân cho cây: Phun qua lá hoặc pha phân vào nước và nhúng cây vào. Chú ý pha loãng phân, bón với lượng nhỏ và bón 1 lần/tháng. Nên sử dụng loại phân bón chuyên dụng cho cây không khí. Không bón phân đạm ure và các loại phân bón có hàm lượng đồng, sắt, kẽm và Bo cao.

Phân bón chuyên dùng cho cây không khí

Cũng cần lưu ý không phun phân lên hoa (đối với những cây không khí ra hoa) nhằm kéo dài tuổi thọ của hoa.

Nguồn: Tổng hợp từ Internet