Trước Tết nông dân làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) đã phải đốn bỏ hoa cúc vì rớt giá. Họ chỉ biết trông chờ vào hoa ly.Thế nhưng, sau Tết, người trồng hoa ở đây lại "khóc ròng" vì giá hoa ly cũng rớt giá mạnh.

Nhiều năm nay, người dân Tây Tựu mạnh dạn đầu tư trồng hoa ly cung ứng cho Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận. Hoa ly Tây Tựu nổi tiếng vì nụ to, thân thẳng, khỏe khiến nhiều người ưa chuộng không kém gì ly Đà Lạt.

Trồng ly không giống như những loại hoa khác bởi vốn đầu tư quá lớn, đối với 1 sào hoa ly người nông dân phải bỏ vốn khoảng gần 100 triệu đồng cho việc mua giống hoa, phân bón, đầu tư ruộng, mái che... Nếu thời tiết thuận lợi mỗi sào ly sau gần 4 tháng sẽ cho thu lãi từ 30 - 60 triệu đồng. Nhưng bên cạnh đó, người nông dân Tây Tựu vẫn thót tim bởi việc trồng hoa ly như canh bạc bởi vô vàn lý do khiến cây ly phát triển không như ý muốn, hoa bung không đúng dịp hoặc lý do khách quan ở phía người tiêu dùng...

Gia đình nhà anh chị Quế Liên có hơn 3 sào ly, trong đó có 2 sào cho thu hoạch trước Tết. Đau đớn thay là lượng hoa bán trước Tết chỉ được 1 phần, số hoa còn lại khá nhiều trong khi đó giá hiện tại chỉ bằng 1/3 so với trong Tết. Trao đổi với chúng tôi, anh chị cho biết: "Mỗi củ giống hoa đã 20 ngàn đồng rồi, một sào phải đầu tư tất cả cũng ngót trăm triệu, ấy thế nhưng số hoa bán được giá trước Tết cũng chỉ được một phần, bây giờ mỗi cành ly loại đẹp (từ 5-6 tai) cũng chỉ 25 ngàn đồng. Tính ra công chúng tôi chăm sóc suốt 4 tháng trời xem như đổ sông bể mà còn bị lỗ khoảng 30 triệu đồng".

Anh Quế cho hay: "Nếu như trước Tết giá hoa chúng tôi đổ buôn cũng rơi vào từ 60-70 ngàn đồng/cành, giờ chỉ còn 25 ngàn đồng. Lý do giá hoa đột ngột giảm mạnh là do lượng hoa cung ứng ra thị trường dồi dào nhưng lượng người chơi hoa lại giảm một cách rõ rệt nên giá hoa bị đẩy thấp kỷ lục".

Theo anh Quế thì việc trồng hoa ly hệt như việc đánh bạc với trời, được mùa được giá thì lãi lớn còn một khi đã mất mùa, rớt giá thì người nông dân chỉ biết khóc ròng. Và sau vụ mùa thất bát này, anh chị Quế Liên cũng tính đến phương án trồng các loại hoa khác như: Hồng, cúc hay thược dược thay vì hoa ly bởi anh chị không dám làm liều thêm một lần nữa. Theo chị Liên thì trong ruộng kiểu gì cũng có khoảng 5-8% lượng hoa bị hiện tượng này hoặc bị thối, chết hoặc không thể trổ hoa.

Những cành hoa ly bị "điếc" thế này giá lại càng bèo bọt hơn gấp bội

Không riêng gia đình anh chị Quế Liên mà nhiều gia đình khác cũng rơi vào tình trạng khốn đốn với hoa ly dịp này. Hoa thì nở nhiều, lượng người mua ít, giá rớt thê thảm, nhiều người cố gắng vớt vát để bù lỗ nhưng cũng chẳng ăn thua vì dù sao họ cũng xác định việc thua lỗ thì cũng đã thua lỗ, mất mát thì cũng đã mất mát...

Nhìn những ruộng ly hoa vứt tứ tung, nằm chỏng chơ dưới bùn đất thế này ai cũng xót xa bởi bao tâm huyết, bao tiền bạc, mồ hôi công sức cuối cùng bị thua lỗ. 

 

Những cánh hoa chưa kịp nở, chưa kịp tỏa hương cũng đã bị chủ ruộng cắt bỏ để trồng giống hoa khác


"Đúng là đánh bạc với trời, được thì được lớn nhưng mất thì cũng rơi vào cảnh khốn khó. Tết vừa rồi gia đình tôi không ai ăn ngon ngủ yên vì lượng hoa còn trong ruộng rất nhiều, ai cũng biết ra Tết hoa sẽ giảm nhưng ai ngờ lại rớt thê thảm thế này", anh chị Phương Viên nghẹn ngào.

Ruộng ly hơn 1 sào của gia đình anh chị Quế Liên trồng để phục vụ dịp lễ 8/3, anh chị vừa nói vừa chỉ về ruộng hoa: "Cả gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác, đang rất hi vọng lứa hoa ly phục vụ dịp 8/3 này sẽ được giá, chứ nếu rớt giá thê thảm như thế này nữa chắc chúng tôi bán ruộng, bỏ nghề tìm công việc khác thôi chú ạ...".

Theo baomoi.com